Mặc dù số lượng không lớn, chỉ chiếm khoảng 0,07% số doanh nghiệp cả nước, nhưng doanh nghiệp nhà nước đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các doanh nghiệp trên thị trường.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm năm 2020 cả nước có khoảng hơn 650 doanh nghiệp nhà nước có số liệu báo cáo cung cấp dữ liệu hoạt động. Trong đó có khoảng 478 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nông lâm nghiệp... Khoảng 180 doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn.
KHÓ TỪ NỘI TẠI DOANH NGHIỆP ĐẾN CHÍNH SÁCH
Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh ở cả hai khối có khoảng gần 200 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình mẹ- con. Trọng tâm của doanh nghiệp nhà nước là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, hiện diện trong 6 lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, năng lượng, tài chính – ngân hàng, viễn thông, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp chế biến chế tạo.
Phân tích từ bộ này cho thấy, phần lớn nguồn lực và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đều xuất phát từ hoạt động các doanh nghiệp nhà nước theo mô hình công ty mẹ-con. Cụ thể, qua 3 năm, tổng tài sản của khối các doanh nghiệp này bình quân đạt 2.735.000 tỷ đồng, chiếm 92% tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Vốn chủ sở hữu của khối này bình quân đạt 1.240.126 tỷ đồng, chiếm 91% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Cụ thể, hiện doanh nghiệp nhà nước đóng góp gần 40% GDP, phần còn lại 60% GDP là đóng góp từ doanh nghiệp tư nhân và khu FDI. Trong khi đó, khoảng 60% nguồn lực xã hội đang tập trung cho doanh nghiệp nhà nước. Như vậy, khu vực doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, cơ chế quản trị doanh nghiệp còn chậm đổi mới, không phù hợp với thông lệ, tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Sử dụng vốn trong doanh nghiệp nhà nước còn yếu kém. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến còn hạn chế. Đến nay, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ.
Hiện một số bộ đang được giao quản lý doanh nghiệp Nhà nước như các bộ tổng hợp và bộ quản lý chuyên ngành, nhưng chưa có một văn bản nào quy định rõ một cơ quan có nhiệm vụ quản lý chung đối với hệ thống doanh nghiệp Nhà nước.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp Nhà nước được giao một khối lượng tài sản rất lớn để kinh doanh nhưng hệ thống quản lý, giám sát không theo kịp với yêu cầu thực tiễn. Thậm chí, thiếu hiệu lực và kém hiệu quả, dẫn tới không ngăn ngừa và cảnh báo được các nguy cơ làm doanh nghiệp bị thua lỗ, mất vốn nhà nước; Chưa chú trọng đến trách nhiệm giải trình của người đứng đầu đối với tiến trình sắp xếp, đổi mới và kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Là doanh nghiệp công nghệ, mục tiêu hướng tới kinh doanh toàn cầu, TS. Nguyễn Quang Tuấn, Ban nghiên cứu sản xuất, Tập đoàn công nghiệp - viễn thông Quân đội (Viettel) chia sẻ, chỉ trong 10 năm (2000-2010); Viettel trở thành tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam, doanh số năm sau gấp đôi năm trước. Từ 2025-2030, Viettel hướng tới doanh nghiệp công nghệ kinh doanh toàn cầu.
Dù thành tích rất tốt nhưng ông Tuấn cho rằng các doanh nghiệp Nhà nước như Viettel thiếu chính sách nhà nước, thiếu tự chủ của doanh nghiệp Nhà nước, động vào gì cũng mắc. Chính sách phản ứng chậm so với sự thay đổi của thị trường và bối cảnh quốc tế. Nhà nước chưa hỗ trợ được doanh nghiệp trong dự báo, định hướng các xu thế lớn của thế giới.
Chính sách nhà nước theo hướng quản lý đầu vào đang tỏ ra kém hiệu quả, hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp, là một nguyên nhân dẫn đến bộ máy cồng kềnh.
CỔ PHẦN HÓA CHỈ NÊN XEM LÀ MỘT GIẢI PHÁP
Đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp Nhà nước phát triển, ông Tuấn dẫn lại lời phát biểu của Chủ tịch Tập đoàn Viettel mới đây: "Tôi mong các bộ, ngành hãy nghĩ một câu thôi. Cố gắng làm sao từ tư duy hãy coi doanh nghiệp Nhà nước như doanh nghiệp tư nhân". Ông Tuấn khuyến nghị, cần mở rộng quyền tự chủ cho doanh nghiệp Nhà nước, chuyển đổi chính sách từ quản lý đầu vào sang quản lý mục tiêu và quản lý dựa trên kết quả. Nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, đẩy mạnh đổi mới tư duy trong việc xây dựng Nhà nước kiến tạo, Nhà nước phục vụ. Hỗ trợ tốt hơn đối với doanh nghiệp trong công tác dự báo, định hướng cũng như có những cảnh báo tốt với doanh nghiệp.
Ông Trung đề xuất cần tập trung vào việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý chủ sở hữu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhà nước được hoạt động bình đẳng, chủ động cạnh tranh và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.
Đơn cử như Nhà nước quản lý theo mục tiêu và giao quyền chủ động, tự quyết trong sản xuất kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp. Nhà nước định kỳ thực hiện vai trò quản lý, giám sát, đánh giá theo quý hoặc năm theo các phương thức như lựa chọn thuê công ty kiểm toán lớn thực hiện giám sát...
Cần mạnh dạn trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số doanh nghiệp Nhà nước để phát triển các hạ tầng nền tảng để có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai... Xác định rõ một cơ quan có nhiệm vụ quản lý chung đối với hệ thống doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời, tạo cơ chế chính sách để Nhà nước hoặc doanh nghiệp Nhà nước tham gia phát triển các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, mang tính mới, có khả năng chiếm lĩnh thị trường.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi số lượng doanh nghiệp Nhà nước đã giảm dần, ông Trung cho rằng cổ phần hoá chỉ nên xem là một giải pháp. Củng cố phát triển doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, hoạt động hiệu quả bên cạnh khối doanh nghiệp tư nhân trong nước đang ngày càng lớn mạnh sẽ là một trong những giải pháp quan trọng.
Nhìn khái quát bức tranh doanh nghiệp Nhà nước và cải cách doanh nghiệp Nhà nước, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng tiến trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước là quá trình cải cách phức tạp, khó khăn và đầy mâu thuẫn. Thu nhỏ nhiều về số lượng doanh nghiệp nhưng tài sản còn rất khổng lồ, chủ yếu nằm ở các tập đoàn, tổng công ty mẹ-con, nhưng hiệu quả kinh doanh thấp. Số liệu mới nhất năm 2020, kể cả doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách có cải thiện nhưng bức tranh chung là thấp. Tiến trình cải cách vô cùng chậm như vấn đề minh bạch và yêu cầu các tổng công ty cổ phần hoá niêm yết. Xử lý 12 đại dự án vẫn nguyên xi như trước – chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Vốn nợ tĩnh đọng ngày càng lớn, tới vài nghìn tỷ đồng.
Doanh nghiệp Nhà nước rất khó hoạt động hiệu quả, mà lý do theo ông Thành, là xung đột lợi ích, tất cả đều chỉ là đại diện dù là các bộ ngành vì đây không phải là sở hữu tư nhân. Gốc rễ này không bao giờ xử lý được 100%. Cho nên ông Thành cho rằng, để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả, cần giảm thiểu căn nguyên bằng giám sát, tăng cường trách nhiệm, phân vai rõ, đánh giá hiệu quả...
TS. Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng quản trị của doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam ngày càng cải thiện nhưng vẫn thấp nhất trong các nước được đưa ra so sánh là Indonesia, Maylaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore.
Vấn đề của "cây gậy và củ cà rốt", thì ai là người cầm gậy? Chính điều này khiến doanh nghiệp Nhà nước e ngại quyết định bởi rủi ro bị quy kết, làm sai trong khung quy định cứng nhắc, không rõ ràng. Vậy nên, để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, theo ông Sang, cần làm rõ nội hàm "kinh tế nhà nước là chủ đạo, doanh nghiệp Nhà nước là nòng cốt". Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát thông qua việc áp dụng các thông lệ quản trị công ty tốt, phù hợp. Xem xét xây dựng quy tắc quản trị công ty của OECD cho doanh nghiệp Nhà nước.
Xem thêm: mth.7880353213301202-auq-ueih-auhc-nov-gnud-us-coun-ahn-peihgn-hnaod-oas-iv/nv.ymonocenv