Nắm thông tin của người bán hàng
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi nhằm hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý thuế đối với hộ và cá nhân kinh doanh. Theo đó, các đơn vị trung gian trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) như ngân hàng, đơn vị vận chuyển, giao nhận, sàn TMĐT phải kê khai thông tin, thậm chí nộp thuế thay (nếu nắm dòng tiền) cho cá nhân và hộ kinh doanh. Với các cá nhân kinh doanh trên mạng, cơ quan thuế địa phương có nhiệm vụ khai thác dữ liệu công bố trên trang bán hàng, fanpage để xác định danh tính, thực hiện các biện pháp thu thuế.
Cơ quan quản lý thuế đang đề ra nhiều giải pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử |
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) - cho rằng công tác quản lý thuế đối với TMĐT vẫn đang gặp nhiều khó khăn do một số hoạt động chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh. Hiện vẫn còn các vấn đề tranh cãi, dẫn đến khó xác định loại hình để thu thuế. Thêm nữa, phần lớn cá nhân, tổ chức kinh doanh TMĐT không đăng ký kinh doanh nên cơ quan quản lý khó theo dõi, thu thuế.
Nhận xét về việc tăng cường quản lý TMĐT, ông Dũng cho rằng, giải pháp yêu cầu các chủ sàn, đơn vị vận chuyển cung cấp thông tin người bán hàng cho cơ quan thuế là hợp lý và cần thiết. Trước đây, Bộ Công thương đã quy định, các tổ chức, cá nhân khi kinh doanh trên sàn TMĐT phải cung cấp thông tin cho các sàn, nay các sàn chỉ việc cung cấp thông tin này cho cơ quan thuế.
“Theo quy định cũ, các hộ kinh doanh đều nộp thuế khoán, không phân biệt quy mô lớn, nhỏ. Điều này dẫn đến các đơn vị kinh doanh quy mô lớn cũng núp dưới mác hộ kinh doanh nhỏ để né thuế. Nếu các sàn TMĐT, đơn vị vận chuyển cung cấp thông tin cá nhân kinh doanh cho cơ quan thuế, sẽ loại bỏ kiểu núp bóng này” - ông Dũng nói.
Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - thông tin thêm ở các nước phát triển, các sàn TMĐT chỉ chấp thuận kinh doanh đối với những người đã đăng ký kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế.
Nhiều kiểu trốn thuế trên mạng xã hội
Các chuyên gia trong lĩnh vực thuế cho rằng, dự thảo thông tư trên vẫn chủ yếu nhắm đến những người đăng ký kinh doanh qua sàn TMĐT, chưa có giải pháp để thu thuế những cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội (Facebook, Zalo, Google, YouTube…).
Theo chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TP.HCM - rất nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng internet để quảng bá sản phẩm, bán hàng, trong đó có cả tiền “ảo”, vật phẩm “ảo” có giá nhiều tỷ đồng nhưng không kê khai hóa đơn bán hàng, doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Một số tổ chức, cá nhân kê khai nhưng không đúng thực tế doanh thu, thanh toán bằng tiền mặt thay vì chuyển khoản, sử dụng tài khoản khác với tài khoản đăng ký với cơ quan thuế để thanh toán, ghi nội dung khác khi chuyển khoản… để tránh sự quản lý của cơ quan thuế. Do đó, cần nhiều giải pháp đồng bộ để quản lý, tránh thất thu thuế cho ngân sách.
Ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, cơ quan thuế quản lý rất chặt các hoạt động kinh doanh này, như yêu cầu các ngân hàng cung cấp các số tài khoản được sử dụng để thanh toán các giao dịch TMĐT, thành lập tổ quản lý thuế để xác minh các giao dịch, xử phạt rất nặng các hành vi trốn thuế. “Chúng ta không xác định được doanh thu, thu nhập của người kinh doanh TMĐT là do chưa có công cụ để kiểm soát, theo dõi lượng hàng hóa cũng như doanh thu phát sinh từ các nền tảng này” - ông Sơn nói.
Theo tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, công tác quản lý thuế nên dựa vào cơ quan quản lý thuế của địa phương bởi họ có thể nắm chặt từng hộ kinh doanh trên địa bàn. Tuy nhiên, để thu thuế qua mạng xã hội hiệu quả, cán bộ quản lý thuế địa phương phải là người có kinh nghiệm để vừa bảo vệ quyền lợi cho nhà kinh doanh, vừa đảm bảo tính bình đẳng, công bằng giữa các chủ thể kinh doanh.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.9051341a-ut-neid-iam-gnouht-iov-iod-euht-yl-nauq-teis/nv.moc.enilnounuhp.www