Tại đại hội cổ đông của CTCP bất động sản Thế Kỷ (Cenland) được tổ chức ngày 9/4 vừa qua, một cổ đông đã đặt câu hỏi về các đối thủ của Cenland trong lĩnh vực môi giới.
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Cenland Nguyễn Trung Vũ cho rằng: Đất Xanh, Hưng Thịnh, Danh Khôi hay Khải Hoàn đều không phải đối thủ cạnh tranh của Cenland, mà chỉ là những người đi sau và khiến cuộc chơi thêm "vui".
Chủ tịch Cenland chia sẻ thêm: "Người ta (các doanh nghiệp kể trên) có thể bắt chước được những thứ mình làm, nhưng không bao giờ bắt chước được cái đầu mình nghĩ", và định hướng Cenland sẽ trở thành công ty số 1 về dịch vụ bất động sản.
Những phát ngôn này nhanh chóng "gây bão" cộng đồng bất động sản về tính xác thực vị thế của các tên tuổi bất động sản trên thị trường. Hãy thử đưa ra một vài tiêu chí để so sánh giữa Cenland và những công ty được ông Vũ nhắc đến.
Về lịch sử phát triển
Cenland tiền thân là đơn vị mua nhượng quyền thương hiệu môi giới đất động sản của công ty Cendant (Mỹ), đặt tên công ty là Century 21 - Trường Thành vào năm 2002. Doanh nghiệp chỉ cung cấp dịch vụ môi giới nay đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ trọn gói từ đầu tư, khai thác, thuê và cho thuê lại, tư vấn, tiếp thị và thẩm định bất động sản. Tuy nhiên, từ lúc ra đới đến năm 2008, công ty này chỉ hoạt động trong lĩnh vực hoạt động chính là môi giới mua bán thứ cấp và cho thuê căn hộ. Năm 2005, công ty đổi tên thành Cenland. Phải đến năm 2009, Cenland lần đầu trở thành đại lý phân phối dự án khu đô thị và mở chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh.
Đất Xanh được thành lập năm 2003 bởi ông Lương Trí Thìn với vốn điều lệ 800 triệu đồng. Công ty này nhanh chóng trở thành một trong những đơn vị hoạt động bất động sản chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam.
Hưng Thịnh cũng được ông Nguyễn Đình Trung thành lập năm 2002 với hoạt đồng ban đầu là môi giới đất nền. Giai đoạn này Hưng Thịnh nhanh chóng phất lên nhờ cơn sốt nhà đất tại khu Trung Sơn.
Như vậy nhìn vào lịch sử phát triển có thể thấy những công ty mà ông Vũ nhắc đến như Đất Xanh, Hưng Thịnh cũng không phải là người đi sau mà đều xuất hiện cùng thời với Cenland. Thậm chí, Cenland còn xuất phát khá muộn trong lĩnh vực môi giới BĐS so với 2 tên tuổi còn lại.
Về số lượng sản phẩm và kết quả kinh doanh
Tháng 11 năm 2020, Forbes Việt Nam đưa ra danh sách 10 nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam dựa trên thông tin từ các công ty tư vấn bất động sản và phỏng vấn trực tiếp các công ty bất động sản nội địa về số lượng sản phẩm đưa ra thị trường trong giai đoạn từ 2014 đến nay.
Danh sách xếp hạng gồm:
1. Vingroup: 74.700 đơn vị, thành lập năm 1993
2. Doanh nghiệp xây dựng số 1 Điện Biên: 30.000 đơn vị, thành lập năm 1993.
3. Novaland: Khoảng 22.600 đơn vị, thành lập năm 1992.
4. Hưng Thịnh Land: Khoảng 18.000 đơn vị, thành lập năm 2002.
5. Nam Long: 13.784 đơn vị, thành lập năm 1992.
6. Phú Mỹ Hưng: 8.162 đơn vị, thành lập năm 1993.
7. Masterise: 7.175 đơn vị, thành lập năm 2007.
8. Khang Điền: 5.784 đơn vị, thành lập năm 2001.
9. Bim Group: 5.190 đơn vị, thành lập năm 1994.
10. Đất Xanh: khoảng 4.500 đơn vị, thành lập năm 2003
Theo đánh giá từ Forbes, Cenland chưa được xếp hạng vào top những công ty phát triển bất động sản lớn cũng như chưa có số liệu cụ thể về số lượng sản phẩm.
So sánh về hoạt động kinh doanh của Cenland với những công ty lớn khác cũng có nhiều điểm khác nhau. Năm 2019, tổng doanh thu của Cenland đạt 2.325 tỷ đồng trong khi Đất Xanh ghi nhận 5.815 tỷ đồng, Hưng Thịnh là 3.681 tỷ đồng.
Năm 2020, số liệu kinh doanh của Đất Xanh có sự sụt giảm mạnh về mức 2.899 tỷ đồng. Tuy nhiên con số này cũng vượt tổng doanh thu của Cenland là 2.163 tỷ đồng. Trong khi đó Hưng Thịnh có sự tăng trưởng lớn lên mức 4.552 tỷ đồng.
Theo công ty chứng khoán Phú Hưng, ước tính Đất Xanh nắm giữ 30% thị phần môi giới bất động sản cả nước. Nếu tính riêng đơn vị thành viên là công ty Đất xanh Miền Bắc đã có thị phần cao hơn Cenland khá nhiều, còn với Công ty Cổ phần Property X – đơn vị thành viên của Hưng Thịnh đã nhiều năm liền dẫn đầu thị phần môi giới miền Nam.
Một báo cáo phân tích của công ty Chứng khoán Vietcombank cho biết, từ năm 2016 tới giữa năm 2020 Hưng Thịnh chiếm 4% nguồn cung sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường. Theo đó, Hưng Thịnh xếp sau Vinhomes với thị phần 22%, gấp đôi các nhà phát triển dự án tên tuổi khác trên thị trường.
Theo lời Chủ tịch Nguyễn Trung Vũ, Cenland muốn chiếm lĩnh vị trí số 1 về dịch vụ, chứ không phải về môi giới, vậy thước đo dành cho vị trí đó là gì - nếu không phải là kết quả kinh doanh?
Về đầu tư công nghệ
Cuối cùng, điều khiến ông Nguyễn Trung Vũ tự tin đối với Cenland trong phát ngôn mới đây có lẽ là về công nghệ và dữ liệu khách hàng mà Cenland đang đầu tư.
Ông Vũ cho biết: công ty sẽ nắm khách hàng, chứ không nắm đất đai, tương tự như những công ty hàng đầu thế giới Amazon, Alibaba, Facebook, Google, Apple, đều nắm dữ liệu khách hàng và biết trong đầu khách hàng đang nghĩ gì. Cenland đang đi theo con đường này và tập trung vào những khách hàng mua bất động sản. Việc bán hàng cho Vinhomes hay Novaland dù không có nhiều lợi nhuận, nhưng giúp Cenland chạm được tới các khách hàng. Cenland hiện đang đầu tư vào nền tảng Proptech - Cen homes mà họ vừa mua lại.
Tuy nhiên, công nghệ cũng không phải cuộc chơi riêng của Cenland. Việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản (Property technology) đang là một xu thế chung trên thế giới và đang được nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận trong thời gian gần đây. Tiên phong phải kể đến là mô hình O2O (Online to Offline) vào kinh doanh bất động sản thứ cấp của Vinhomes; ứng dụng Sunshine App của Sunshine Group; Đất xanh service của Đất Xanh; hay TopenLand 1 proptech của Hưng Thịnh (đầu tư 25 triệu đô la Mỹ phát triển dự án này).
Với các tiêu chí so sánh nêu trên, dư luận thực sự đặt dấu hỏi trước tuyên bố của Chủ tịch Cenland về vị thế của doanh nghiệp này so với các ông lớn cùng ngành như Đất Xanh hay Hưng Thịnh: Có đúng họ không phải là đối thủ cạnh tranh của Cenland? Ai mới người đi sau và khiến cuộc chơi thêm vui?
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị