Ngày 12.4, ông Trịnh Văn Quyết trao đổi với các cổ đông: "Cổ đông nào 1 phút xao lòng không yêu FLC mà bán thì tôi chia buồn, nhà đầu tư nào chung thuỷ với FLC thì xin chúc mừng".
Nóng đại hội cổ đông FLC, cổ phiếu "họ F" đồng loạt xanh tím
Ngày 12.4 diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn FLC. Đây là một trong những đại hội cổ đông thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư bởi giá cổ phiếu FLC tăng gấp 4 lần trong chưa đầy 1 năm qua.
Không chỉ FLC mà các cổ phiếu trong hệ sinh thái “nhà F” như AMD, ART, ROS, KLF, HAI đều tăng phi mã trong thời gian ngắn.
Ngay từ sáng sớm, theo ghi nhận của PV báo Lao Động, hàng dài cổ đông đã xếp hàng để dự đại hội.
Đại hội cổ đông FLC được thắt chặt an ninh tới 3 vòng kiểm tra. Các cổ đông buộc phải cho nhân viên bảo vệ khám xét túi và được yêu cầu không được phép chụp ảnh.
Tại phần hỏi đáp, một cổ đông đặt câu hỏi: “Giá cổ phiếu FLC hiện nay đã vượt mệnh, theo ban lãnh đạo giá cổ phiếu đã phản ánh đúng giá trị công ty chưa? Ban lãnh đạo định giá cổ phiếu FLC bao nhiêu?
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho biết: “Giá cổ phiếu là do cung cầu thị trường. Nhưng cổ phiếu FLC thanh khoản tốt cả thập kỉ nay. Nhà đầu tư thoả sức mua và thoả sức bán. Đó là điều đáng mừng. Kể cả nhà đầu tư dài hạn, ngắn hạn, cán bộ nhân viên... đều mong muốn là cổ phiếu có thanh khoản. Bán bao nhiêu có người mua, mua bao nhiêu có người bán. Từ khi FLC mới ở sàn OTC thì đã đạt được điều đó”.
Theo ông Quyết, cổ phiếu niêm yết thì quan trọng nhất là thanh khoản và huy động được vốn cho doanh nghiệp. Nếu không đáp ứng được hai tiêu chí đấy thì doanh nghiệp không nên niêm yết.
Kế hoạch huy động vốn 5.000 tỉ đồng
Một cổ đông đặt câu hỏi: “Hiện tại FLC đang có phương án chào bán cổ phiếu huy động 5.000 tỉ đồng. Trước đó, Tập đoàn từng có đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông với mục tiêu huy động 3000 tỉ đồng nhưng sau đó bị huỷ bỏ. Đề nghị HĐQT làm rõ lý do huỷ là gì?”.
Ông Trịnh Văn Quyết cho biết: “Từ năm 2019, FLC dự định phát hành cổ phiếu để tăng vốn 3000 tỉ đồng nhưng sau đó huỷ bỏ. Mặc dù có giấy phép rồi nhưng HĐQT quyết định không tăng vốn vì giữ cam kết là “nếu cổ phiếu chưa trên mệnh giá thì không tăng vốn”. Hiện FLC có trên dưới 300 dự án trên toàn quốc. Ngoài vốn điều lệ, công ty cần lượng vốn lớn từ vốn vay, vốn trái phiếu, nhà đầu tư thứ cấp… Đối với các bất động sản của FLC chưa đầy đủ điều kiện bán thì nhà đầu tư thứ cấp góp vốn. Sau khi bất động sản đủ điều kiện bán thì chuyển đổi từ hợp đồng góp vốn thành hợp đồng mua bán. Đấy là mô hình nhà đầu tư thứ cấp mà hơn chục năm nay FLC đã làm hiệu quả. Nhà đầu tư thứ cấp nữa là các nhà thầu xây dựng đều lấy sản phẩm bất động sản là FLC. Trong một năm qua, nhà đầu tư là công ty nhà thầu của FLC đều đối trừ công nợ và sản phẩm là chung cư, liền kề, nghỉ dưỡng để đối trừ sản phẩm. Tôi có nói nhà thầu điện, gỗ, sàn… là các ông làm cho tôi hàng nghìn phòng khách sạn, hàng nghìn căn nhà, biệt thự mà không mua sản phẩm thì hoá ra các ông làm đồ lởm à?”.
Chủ tịch FLC tiết lộ “Hiện chúng tôi đang nợ khoảng trên trên dưới 11.000 tỉ đồng. Nhưng tổng tài sản tăng trên 20%, lên xấp xỉ 40.000 tỉ. Trong 1 năm dịch bệnh mà tổng tài sản tăng lên như vậy chưa kể nếu tính tổng tài sản theo giá trị thương hiệu thì còn gấp nhiều lần. Khi dùng vốn của nhà đầu tư thứ cấp thì nhà đầu tư vào bất động sản FLC đều được hưởng thành quả, đầu tư 1 tỉ lấy về 3 tỉ. Nhà đầu tư đối trừ sản phẩm mình làm ra thì đều lợi nhuận mấy chục %".
Xem thêm: odl.941898-ueihn-oab-clf-aig-hnid-teyuq-nav-hnirt-gno-aig-hnem-touv-clf-ueihp-oc/et-hnik/nv.gnodoal