Chưa biết giao về bộ nào sẽ tốt hơn nhưng cái mất lớn nhất trước mắt chính là càng làm cho hệ đào tạo vốn đã bị “xem nhẹ” này bị giảm thêm niềm tin trong xã hội.
Để nâng cao vị thế giáo dục nghề nghiệp, thực ra Chính phủ và Nhà nước đã có nhiều chính sách tích cực, từ việc miễn học phí cho hệ trung cấp, có quy định về học liên thông cho học sinh trường nghề… với mong muốn nguồn nhân lực ngày càng tốt lên để cạnh tranh, hội nhập với quốc tế.
Thẳng thắn nhìn nhận, trước đây việc sắp xếp đội hình về vấn đề đại học, giáo dục nghề nghiệp đã từng có sự tính toán, suy nghĩ rất kỹ lưỡng. Và trong thời gian qua nó cũng đã tạo ra những thành công nhất định dưới sự lãnh đạo của Bộ LĐ-TB&XH như trong việc đầu tư, chuyển đổi, gắn kết theo nhu cầu xã hội; hình thành các ngành nghề trọng điểm; xây dựng các chính sách phân luồng; có những chính sách để thu hút đào tạo nghề, từ sơ cấp, trung cấp và tạo sự liên thông từ cao đẳng cho đến đại học…
Nhưng trong quá trình thực hiện, nhiều vấn đề đã lộ rõ những điểm “nghẽn” khiến các trường nghề khó chồng thêm khó. Đáng nói, vấn đề không phải nằm ở việc do bộ nào quản lý mà chính là thiếu sự nhịp nhàng, trách nhiệm trong phối hợp về công tác quản lý hành chính giữa hai bộ.
Vấn đề liên thông giữa các cấp học hiện nay là một ví dụ. Bộ này nói một đằng, bộ kia yêu cầu làm một nẻo, hậu quả là phụ huynh, học sinh vì nghe theo những cam kết “liên thông đại học” để chọn học nghề và tự lãnh đủ. Trong khi nguyện vọng của bất kỳ ai cũng đều mong muốn phải có nghề nghiệp, có việc làm, có thu nhập và thăng tiến trong công việc.
Việc tách cấp bậc này thuộc bộ này hay bộ kia chỉ là giải pháp nhất thời. Chưa kể, mỗi lần chuyển đổi là một lần mất sức về nghiên cứu, tổ chức, bộ máy, sắp xếp, đặc biệt là tạo thêm sự rối loạn trong xã hội, trong đó có hệ thống bằng cấp.
Hiện nay, vấn đề Đảng và Nhà nước đang quan tâm nhất là làm sao phải thay đổi cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực của các bậc đại học, cao đẳng và trung cấp, đáp ứng được điều kiện về đầu tư, giảng dạy, các điều kiện tuyển sinh để làm sao thu hút được nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực đào tạo ra phải có chất lượng cao, phù hợp với thị trường lao động mở, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng 4.0.
Cho nên yêu cầu đặt ra là làm sao có những giải pháp tiến tới thống nhất hoạt động đại học và giáo dục nghề nghiệp, kết nối xuyên suốt từ phổ thông đến các cấp bậc để tiếp cận, làm tốt công tác từ khâu huấn luyện, hướng nghiệp chọn nghề cho các em. Các em có lựa chọn các cấp học phù hợp năng lực và thị trường lao động thì mới đáp ứng được sự cạnh tranh về nhân lực của lao động Việt Nam với quốc tế.
Để làm được, vai trò quản lý của Nhà nước luôn hết sức quan trọng, đòi hỏi sự thống nhất dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, của Nhà nước, của cơ quan, ban, ngành. Trong đó, vai trò chính là trách nhiệm của cả Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT chứ không phải riêng bộ nào.