Các chuyên gia đánh giá dự án ba cây cầu kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang sẽ tạo sự kết nối trục dọc hiệu quả giữa TP.HCM, Long An với các tỉnh miền Tây. Đồng thời, khi dự án hoàn thành cũng sẽ phá vỡ thế độc đạo của quốc lộ 1 và cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương là tuyến cao tốc kết nối TP.HCM đi các tỉnh miền Tây hiện đã xuống cấp và quá tải. Ảnh: HOÀNG GIANG
Khởi công trong năm 2021
Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho biết hiện nay HĐND, UBND tỉnh Long An rất quan tâm và trông chờ vào dự án trục kết nối giao thông giữa ba tỉnh, thành là TP.HCM - Long An - Tiền Giang. Theo đó, Sở GTVT tỉnh Long An đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm sớm khởi công ba cây cầu kết nối này.
Ba cây cầu mới được xây dựng lần lượt bắc qua sông Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Trong đó, tại dự án đầu tiên sẽ có hai cây cầu bắc qua sông Cần Giuộc, nằm song song với nhau. Mỗi cây cầu có chiều dài gần 3 km, rộng 14 m, bắt đầu từ ngã ba Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Tiếp đến là hai cây cầu lần lượt bắc qua sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây có chiều dài 7 km, chiều rộng mặt cầu hơn 13 m (đầu tư ở giai đoạn 1).
Theo Sở GTVT tỉnh Long An, dự án ba cây cầu kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang để đi các tỉnh ĐBSCL sẽ được khởi công vào năm 2021 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Theo kế hoạch ban đầu, tổng kinh phí đầu tư khoảng 2.300 tỉ đồng bằng nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn khác. Tuy nhiên, mới đây dự án đã được điều chỉnh và nâng tổng mức đầu tư lên 3.600 tỉ đồng.
Ông Trung cho biết nguyên nhân tăng vốn là do quy mô cầu đã được điều chỉnh từ hai đến ba làn xe lên bốn làn xe cho phù hợp thiết kế đường. Đồng thời thiết kế ba cầu cũng thay đổi như sau: Cầu Cần Giuộc thành cầu vòm, cầu Vàm Cỏ Đông sang cầu dây văng và cầu Vàm Cỏ Tây thiết kế dạng Extradosed (kết hợp cầu bê tông cốt thép và cầu dây văng).
“Việc thay đổi quy mô cầu, kết cấu cầu đã tăng tổng mức đầu tư án. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng phải thẩm định lại toàn bộ hồ sơ, dự án. Dự kiến thời gian khởi công sẽ được thực hiện trong năm nay” - ông Trung nhấn mạnh.
Động lực phát triển kinh tế
Ông Nguyễn Hoài Trung đánh giá hiện nay giao thông kết nối TP.HCM với Long An và các tỉnh ĐBSCL đều bị hạn chế, các tuyến đường lớn hầu như quá tải. Kéo theo đó, thời gian di chuyển và chi phí vận tải tăng cao và đó cũng chính là một trong những nguyên nhân kìm nén sự phát triển của tỉnh Long An và ĐBSCL.
Chính vì vậy, việc sớm khởi công, đầu tư dự án ba cây cầu kết nối sẽ rút ngắn thời gian di chuyển và thu hút được nhiều nhà đầu tư về Long An. Đồng thời lúc này Long An sẽ thực sự là cầu nối, liên kết TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL.
Bên cạnh đó, tỉnh Long An cũng sẽ đầu tư một tuyến đường hoàn toàn mới đi qua ba cây cầu trên, từ đó tạo nên một trục dọc kết nối liên vùng, thông suốt. Thời gian tới, Sở GTVT tỉnh Long An sẽ kêu gọi đầu tư dự án này và tiến hành lập quy hoạch, phê duyệt dự án.
“Sau khi trục giao thông được hoàn thành sẽ kết nối với tuyến đường ven biển miền Tây, kết nối liên thông với các tỉnh miền Tây. Từ đó sẽ giải tỏa áp lực giao thông trên quốc lộ 1, quốc lộ 50 và cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Lúc này, hàng loạt nhà đầu tư tiềm năng sẽ lựa chọn Long An là điểm đến bởi chi phí vận chuyển, nhân công, mặt bằng đều rẻ. Thực sự trục kết nối này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế Long An và các tỉnh ĐBSCL” - ông Trung kỳ vọng.
Đánh giá cao về dự án này, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết trục giao thông TP.HCM - Tiền Giang - Long An sẽ kết nối với ngã ba Trung Lương. Theo đó, tỉnh Tiền Giang cũng kỳ vọng Long An sớm hoàn thiện dự án này. Từ đó, dự án sẽ góp phần giảm áp lực giao thông cho quốc lộ 1 và cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang bị quá tải và tăng sự liên kết vùng.
Nhìn ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh An Giang, cho rằng ĐBSCL là vùng kinh tế có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển và có những đóng góp quan trọng cho đất nước trong việc đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay khu vực này đang gặp khó bởi hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Chính vì vậy, thời gian vận chuyển và chi phí luôn tăng cao cũng là một trong những vấn đề nhức nhối của các doanh nghiệp vận tải. Vấn đề cấp thiết đặt ra là cần sớm xây dựng các trục kết nối ĐBSCL với TP.HCM và khu vực Đông Nam bộ.
“ĐBSCL đang rất khát các trục đường giao thông kết nối liên vùng. Do đó, việc tăng cường đầu tư, sớm đưa vào khai thác sử dụng các tuyến cao tốc, trục kết nối là vô cùng cấp thiết để tạo nên sự bứt phá của vùng” - ông Xuân nhận định.
Tính toán thu hút các nhà đầu tư Hiện tỉnh Long An đã lập quy hoạch giải phóng bề ngang tuyến đường thêm 300 m. Việc này sẽ tạo điều kiện, thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư trục giao thông mới này. Đồng thời, tỉnh Long An cũng tiến hành tuyên truyền cho người dân hiểu được vai trò của dự án và nhận được sự đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng. Về cơ bản, đến nay người dân khu vực này vô cùng ủng hộ khi nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của dự án. Đây là một trong những động lực để đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ. Ông NGUYỄN HOÀI TRUNG, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An |