Phiên giao dịch chứng khoán ngày 12.4 đã để lại nhiều dấu mốc. Đầu tiên, VN-Index tiến lên một đỉnh mới ở mức 1.252,45 điểm sau khi tăng hơn 20 điểm. Tiếp đến, sàn HoSE đạt thanh khoản theo phương thức khớp lệnh ở mức kỉ lục, gần 20.000 tỉ đồng.
Từ nghẽn lệnh và bóp thanh khoản
Phiên giao dịch ngày 12.4, sàn HoSE có mức thanh khoản chung đạt hơn 21.517 tỉ đồng, là mức cao thứ 2 kể từ khi sàn này đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, nếu xét về thanh khoản theo phương thức giao dịch khớp lệnh, với mức xấp xỉ 20.000 tỉ đồng, phiên giao dịch ngày 12.4 trở thành phiên có thanh khoản khớp lệnh cao nhất từ trước tới nay trên sàn HoSE.
Cần biết rằng, trước khi bước vào phiên ngày 12.4, vào tuần giao dịch trước đó từ ngày 5-9.4, sàn HoSE đạt mức thanh khoản cao nhất là hơn 18.200 tỉ đồng vào phiên ngày 9.4. Nhưng mức thanh khoản này nhờ vào đóng góp của hơn 4.000 tỉ đồng từ giao dịch thỏa thuận. Và hơn nữa, khi sàn HoSE bước vào ngưỡng 15.000 tỉ đồng, tình trạng nghẽn lệnh liền xuất hiện. Trên thực tế, nhà đầu tư chỉ còn có thể giao dịch ổn định trong một khoảng thời gian rất ngắn đầu phiên chiều.
Tình trạng nghẽn lệnh giao dịch trên sàn HoSE bắt đầu xuất hiện từ giữa tháng 12.2020 đến nay, và diễn biến ngày một trầm trọng. Trong một động thái giải quyết tình thế, sàn HoSE phải bóp thanh khoản.
Những tháng trước, tình trạng này chỉ xuất hiện vào phiên chiều sau khi thanh khoản trên sàn HoSE bắt đầu bước vào vùng 14.000 tỉ đồng. Song tuần giao dịch trước (5-9.4), trong 2 phiên giao dịch ngày 8 và 9.4, tình trạng nghẽn lệnh đã xuất hiện sớm hơn, vào cuối phiên sáng, tức giờ trưa.
Và bất ngờ thoát nghẽn lệnh
Tuy nhiên, phiên giao dịch chứng khoán ngày 12.4 diễn ra một cách hoàn toàn “khác lạ” đến bất ngờ. Đó là, tình trạng nghẽn lệnh đã không xảy ra cho đến khi thanh khoản tiến về mức xấp xỉ 21.000 tỉ đồng.
Như vậy, một phép tính đơn giản cho thấy, khi còn nghẽn lệnh, thanh khoản tối đa qua phương thức khớp lệnh trên sàn HoSE chỉ đạt tối đa khoảng 14.000 tỉ đồng, cộng với khoản giá trị giao dịch thỏa thuận thì có những phiên thanh khoản chung lên tới mức từ hơn 16.000 tỉ đồng đến hơn 18.000 tỉ đồng, như phiên ngày 9.4 vừa qua.
Và cũng từ một phép tính đơn giản cho thấy, khi tình trạng nghẽn lệnh được giải quyết để nó xảy ra chậm hơn như phiên ngày 12.4 vừa qua, thanh khoản qua phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE tăng lên mức xấp xỉ 20.000 tỉ đồng.
Cho thấy, tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE lâu nay đã “nhốt” hàng ngàn tỉ đồng khi khối lượng lệnh giao dịch bị khống chế kéo theo thanh khoản bị bóp lại. Hay có thể nói theo cách ngược lại, khi tình trạng nghẽn lệnh được giải quyết hoặc giải quyết được một phần, hàng ngàn tỉ đồng thanh khoản từng bị “nhốt” đã được “giải thoát”.
Và chính sự được “giải thoát” đó của thanh khoản đã giúp thanh khoản chung trên sàn HoSE bùng nổ lên mức hơn 21.517 tỉ đồng trong ngày 12.4, và điểm số VN-Index cũng tăng mạnh bứt phá thiết lập đỉnh lịch sử mới trên mốc 1.252 điểm.
Nhiều chuyên gia và các công ty chứng khoán trong những tháng qua đã đưa ra nhiều nhận định, rằng nếu sàn HoSE không bị tình trạng nghẽn lệnh thì thanh khoản có thể tăng lên mức từ 18.000-20.000 tỉ đồng mỗi phiên. Điều này đã được chứng minh là đúng trong phiên giao dịch ngày 12.4.
Dòng tiền mạnh sẽ tạo ra nhiều bứt phá bất ngờ trên thị trường. Nhưng bất ngờ nhất trong phiên giao dịch ngày 12.4 trên sàn HoSE có lẽ chính là việc sàn này… bất ngờ thoát tình trạng nghẽn lệnh.
Xem thêm: odl.922898-taoht-iaig-coud-tohn-ib-naohk-hnaht-gnod-it-nagn-gnah-ihk-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal