Tiết mục văn nghệ truyền thống Khmer tại Ngày hội văn hóa các dân tộc của Trường đại học Y dược Cần Thơ - Ảnh: T.LŨY
Hôm qua ông Năm Sách (Trần Văn Sách, chủ tịch Hội Khmer - Việt tỉnh Kratie, Campuchia) xuôi về biên giới Việt Nam để nhận quà của chính quyền và người dân tỉnh Bình Phước gửi tặng bà con ở Kratie đón Tết Chol Chnam Thmey (tết cổ truyền của Campuchia).
Năm nào cũng vậy, cứ tới dịp gần tết thì ông lại cùng vài bà con Việt kiều đánh xe ra biên giới nhận quà từ Việt Nam.
Không chỉ thơm thảo với đồng bào gốc Việt mà cả bà con Khmer, Chăm ở khu vực gần cộng đồng người gốc Việt sinh sống đều được nhận quà. Năm nay từ bên kia biên giới, ông nói: "Lần này quà tết là nước sát khuẩn, khẩu trang y tế, nhu yếu phẩm... Được vậy là bà con mừng rồi. Tết nhứt tính sau. Giờ dịch dã thì ở nhà hết cho coi".
Mọi năm, không chỉ Phnom Penh, Siem Reap hay Sihanoukville... mà từ cực bắc tỉnh Stung Treng hay cực nam tỉnh Koh Kong, từ Palin, Anlong Veng cặp Thái Lan hay Kampot, Tà Keo, Candal, Prey Vieng, Say Rieng... giáp Việt Nam, những chuyến xe dường như không ngơi nghỉ.
Không chỉ trên đất nước Campuchia mà những chuyến xe chở đầy người cũng nườm nượp xuyên biên giới, sang Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng... hòa trong bầu không khí hội hè như bất tận.
Năm ngoái người dân Campuchia đã không ăn tết Chol Cham Thmey để phòng tránh dịch COVID-19. Với tập quán thích hội hè, yêu âm nhạc và múa hát của người dân Khmer, việc không đốt đèn trời, đốt ông lói, đánh quay lửa, đắp núi cát, tắm Phật... là một nỗi trống vắng khi tết về.
Nhưng đó là Campuchia năm ngoái, nước từng giữ được vị thế là một trong những quốc gia phòng chống dịch bệnh tốt nhất thế giới.
Năm nay thì khác nữa. "Sự kiện cộng đồng" 20-2 (cụm từ người Campuchia dùng để chỉ ngày phát hiện những người lây nhiễm COVID-19) đã khơi mào cho đợt dịch thứ 3 bùng phát trên khắp đất nước.
Đại dịch kéo dài, lan rộng và bùng phát nhanh. Từ vài ca bệnh, đến nay những thông cáo hằng ngày của Bộ Y tế Campuchia về các ca nhiễm mới thường là 3 con số. Nỗi bất an không chỉ từ các vũ trường, sòng bạc, bệnh viện, mà nó còn lan ra chợ, nhà máy, xí nghiệp... Bản đồ giới nghiêm, phong tỏa, cách ly để phòng chống dịch cứ dày đặc thêm.
Tổ chức Y tế thế giới lần thứ hai cảnh báo dịch bệnh ở Campuchia sẽ rơi vào tình thế nguy hiểm, báo động nguy cơ thảm họa quốc gia. Khẩu hiệu "Ngày tết ở nhà" đã được tuyên truyền trên các kênh truyền thông của đất nước Angkor để phòng dịch bệnh. Vậy đây là năm thứ hai Chol Chnam Thmey ở Campuchia không có hội hè. Tết ở nhà năm nay còn lo âu hơn tết năm ngoái.
Theo truyền thuyết Khmer, tết cổ truyền là dịp "thay ca" của một vị thần từ trên trời (Tevoda) - người chăm lo đời sống của mọi người trong năm, để vị thần khác xuống làm việc đó trong năm mới. Nếu gửi trọn niềm tin vào phép mầu, chắc chắn nhiều người dân Campuchia sẽ mong muốn các Tevoda hãy mang đi dịch bệnh và trả lại Chol Chnam Thmey yên bình như vốn có.
Nhưng thần không ở trên trời, "thần" ở ngay đây và trong cộng đồng, chính là các biện pháp phòng dịch. Chỉ có phòng dịch một cách nghiêm khắc thì phép "thần thông" mới đến, Tết Chol Chnam Thmey mới an bình, đất nước đón năm mới không âu lo thảm họa quốc gia.
Ông Năm Sách và bà con năm nay ăn tết ở nhà.
TTO - Số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày bất ngờ tăng vọt lên 3 con số ở cả Campuchia lẫn Thái Lan khiến dư luận sửng sốt đặt câu hỏi: Chuyện gì đang xảy ra với tình hình dịch bệnh COVID-19 tại đây?
Xem thêm: mth.64625308031401202-ahn-o-yemht-manhc-lohc-tet/nv.ertiout