Quảng Nam mở rộng mạng lưới bán hàng OCOP xuống từng huyện
Nhân Tâm
(KTSG Online) - Đến cuối năm 2021, tất cả 18 huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh Quảng Nam đều có ít nhất một điểm bán hàng OCOP, theo Kế hoạch triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2021 vừa được ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ký ban hành.
Một số sản phẩm OCOP tại Quảng Nam. Ảnh: Nhân Tâm |
Nhiều sản phẩm OCOP tiềm năng
Sản phẩm đèn lồng Dé lantana của Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Nam (thành phố Hội An) đang làm hồ sơ để xin đạt chuẩn chất lượng OCOP 5 sao và nếu thành công sẽ trở thành sản phẩm đầu tiên của Quảng Nam đạt thứ hạng này.
Được biết, khi Chương trình quốc gia OCOP được triển khai, anh Võ Đình Hoàng, Giám đốc công ty Hoa Nam, đã đăng ký tham gia với thương hiệu Lồng đèn Dé lantana. Năm 2018, mặt hàng đèn lồng Dé lantana đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt hạng 3 sao cấp tỉnh năm 2018 và đến năm 2020 thì được xếp hạng sản phẩm 4 sao OCOP tỉnh Quảng Nam.
Hiện nay mỗi năm, công ty sản xuất ra thị trường hơn 6.000 chiếc lồng đèn khác nhau và giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động địa phương với bao bì và mã vạch theo chuẩn bên cạnh việc thiết kế, sản xuất những mẫu mã đèn mới, mang tính sáng tạo theo yêu cầu từ phía khách hàng.
Với mong muốn tạo ra hạt gạo có chất lượng, sạch, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm ngay chính trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống của mình, Hợp tác xã nông nghiệp Thanh niên huyện Thăng Bình đã triển khai xây dựng ý tưởng và tạo ra sản phẩm Gạo “Cái quạt mo’’, một sản phẩm gạo hữu cơ, gạo sạch, gạo an toàn cho người Việt.
Gạo “Cái quạt mo” được trồng và sản xuất theo đúng quy trình VietGap, theo tiêu chuẩn sạch an toàn hữu cơ. Năm 2020, tham dự đăng ký đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Nam, Gạo “Cái quạt mo” đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao.
Trong giai đoạn tới, Gạo “Cái quạt mo”, từng bước xây dựng chuỗi liên kết và mở rộng khu vực canh tác, sản xuất trên các cánh đồng huyện Thăng Bình với dự kiến quy mô là 104 tấn/năm.
Trong khi đó, mới chỉ hơn ba năm thực hiện Chương trình OCOP, huyện miền núi Bắc Trà My đã có 9 sản phẩm được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn OCOP. Năm 2018, năm đầu tiên thực hiện Chương trình OCOP, huyện Bắc Trà My có hai sản phẩm là tinh dầu quế và rượu lúa rẫy được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh.
Năm 2019, huyện Bắc Trà My tiếp tục có hai sản phẩm được công nhận OCOP gồm dầu phụng Trà Đông và mía tím Bắc Trà My. Trong đó dầu lạc (phộng) được ép từ đậu phộng nguyên chất được nhân dân trong vùng sản xuất và cây mía tím (hay còn gọi là mía mưng) được trồng tập trung tại thôn 2 và thôn 6 (xã Trà Giang).
Nhiều điểm bán OCOP
Theo ông Lê Trí Thanh, tỉnh luôn xác định Chương trình OCOP là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị, góp phần thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
Tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển vì vậy trong năm 2021, tỉnh đặt nhiều mục tiêu để khai thác tiềm năng này.
Một điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Nhân Tâm |
Theo đó, 100% số đơn vị cấp huyện củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức OCOP cấp huyện, cấp xã và hoàn thiện bộ máy tham mưu giúp việc Chương trình OCOP các cấp; 100% cán bộ OCOP cấp huyện, cấp xã và các chủ thể mới tham gia Chương trình OCOP năm 2021 phải được tham gia tập huấn các nội dung cơ bản của Chương trình, nhất là nội dung cụ thể các bước trong chu trình OCOP.
Về phát triển sản phẩm, tỉnh hỗ trợ phát triển/nâng cấp 110 sản phẩm mới/sản phẩm đã có, phấn đấu trong năm 2021 có ít nhất 80% số sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên cũng như hỗ trợ củng cố, nâng cấp/thành lập mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế (Doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã) tham gia OCOP.
Bên cạnh đó, 100% số chủ thể đăng ký tham gia có cam kết sản xuất sản phẩm theo quy định về an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác, đóng gói được nâng cấp đảm bảo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất, lưu thông cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu xây dựng/nâng cấp các điểm, trung tâm bán hàng OCOP cấp huyện, đảm bảo đến cuối năm 2021, tất cả 18 huyện, thị xã, thành phố đều có ít nhất 1 điểm bán hàng OCOP (ngoài sản phẩm OCOP của địa phương, kết nối sản phẩm OCOP của các địa phương khác trong tỉnh, kể cả sản phẩm OCOP ngoài tỉnh) và hấn đấu các sản phẩm sau một năm được công nhận OCOP hạng 3 sao trở lên tăng doanh thu và lợi nhuận lên ít nhất 1,5 lần so với thời điểm sản phẩm chưa tham gia OCOP.
Sau ba năm triển khai xây dựng Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Hội An triển khai định hướng phát triển sản phẩm OCOP đối với các nhóm chủ lục gồm: thực phẩm, thảo dược, dịch vụ - du lịch nông thôn và lưu niệm - nội thất - trang trí. Đến nay, Hội An đã có 9 sản phẩm đạt hạng OCOP 3 - 4 sao cấp tỉnh. Tổng sản lượng sản xuất các sản phẩm OCOP trên địa bàn Hội An trong ba năm qua ước hơn 224.000 sản phẩm với bốn cửa hàng bày bán các sản phẩm OCOP. Dự kiến, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hội An phấn đấu có ít nhất 50 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm 5 sao. Phấn đấu có năm sản phẩm OCOP tham gia xuất khẩu. Xây dựng hoàn thiện trung tâm OCOP vùng và phát triển từ 15 - 20 điểm bán hàng OCOP tại các nhà hàng, khách sạn (có sự hỗ trợ của Nhà nước). Đến năm 2025, doanh số bán hàng OCOP trên địa bàn dự kiến đạt mức 25 tỉ đồng. |
Xem thêm: lmth.neyuh-gnut-gnoux-poco-gnah-nab-ioul-gnam-gnor-om-man-gnauq/773513/nv.semitnogiaseht.www