Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đang giữ vai trò như một tàu sân bay huấn luyện hơn là chiến đấu - Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc
Theo các hình ảnh vệ tinh của châu Âu và Mỹ chụp ngày 11-4, cả 4 tàu nói trên đang phân bố rải rác tại một khu vực rộng gần 140.000km2 ở phía đông - đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Mặc dù chỉ được định danh là "tàu đổ bộ tấn công", việc USS Makin Island mang theo các chiến đấu cơ cất cánh/hạ cánh thẳng đứng F-35B biến nó trở thành một tàu sân bay hạng trung.
Có trùng hợp?
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 12-4 ngầm xác nhận nhóm tàu sân bay Liêu Ninh đã vào Biển Đông nhằm "đáp trả lại các hành động khiêu khích của Mỹ". Hình ảnh được chụp bởi vệ tinh Sentinel của Cơ quan Vũ trụ châu Âu ngày 11-4 cho thấy Trung Quốc đang có tới 2 tàu sân bay tại khu vực. Sau khi tiến vào Biển Đông ngày 10-4, tàu sân bay Liêu Ninh tiếp tục di chuyển về phía tây nam, vượt qua quần đảo Đông Sa đang do Đài Loan kiểm soát và hướng về đảo Hải Nam.
Hình ảnh vệ tinh của Công ty Planet (Mỹ) chụp ngày 11-4 cho thấy tàu Liêu Ninh đang cách căn cứ hải quân Du Lâm trên đảo Hải Nam khoảng 300km về phía đông nam. Một hình ảnh khác cũng của Planet cho thấy tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc vẫn neo đậu tại căn cứ Du Lâm trong thời gian tàu Liêu Ninh di chuyển.
Tàu Liêu Ninh tiến vào Biển Đông chỉ một ngày sau khi nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Makin Island hiệp đồng tập trận trên Biển Đông. Một số báo đài Trung Quốc, điển hình như Thời báo Hoàn Cầu, khi đưa tin đã mô tả việc Bắc Kinh triển khai tàu sân bay đến Biển Đông là động thái đáp trả nhanh chóng của Bắc Kinh trước hành động của Mỹ. Tuy nhiên, giới quan sát cả trong và ngoài Trung Quốc lại nhìn sự việc theo hướng khác.
Cựu sĩ quan Mỹ Carl Schuster nhận định sự hiện diện của Liêu Ninh ở Biển Đông là bình thường, đặc biệt là vào mùa xuân, do điều kiện thời tiết thuận lợi cho việc huấn luyện. Song Zhongping, một chuyên gia quân sự Trung Quốc, cũng thể hiện sự đồng ý hiếm hoi với chuyên gia phương Tây. Vị này cho rằng các cuộc tập trận của tàu Liêu Ninh thường được lên kế hoạch từ trước. Do đó, việc cả tàu sân bay Mỹ và Trung Quốc cùng xuất hiện chỉ là trùng hợp.
Mỹ gửi thông điệp trấn an
Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI), một tổ chức nghiên cứu của chính quyền Bắc Kinh, ngày 12-4 công bố hình ảnh vệ tinh chụp lúc 10h ngày 11-4 cho thấy tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ đang ở cách bãi cạn Scarborough khoảng 115km về phía tây bắc. Trong vòng 1 tuần kể từ khi vào Biển Đông từ eo biển Malacca, tàu sân bay Mỹ đã vừa đi vừa tập trận.
Theo thông cáo của hải quân Mỹ, trong thời gian di chuyển trên Biển Đông, tàu Theodore Roosevelt và tàu Makin Island cũng diễn tập với các nước trong khu vực. Các tiêm kích của USS Theodore Roosevelt đã phối hợp bay theo đội hình với tiêm kích Su-30 của Malaysia. Chiến đấu cơ F-35B cũng xuất kích từ USS Makin Island và diễn tập với tiêm kích F-15, F-16 của Singapore. Hai nhóm tàu chiến Mỹ sau đó còn phối hợp tập trận tại một khu vực không xác định trên Biển Đông, nhiều khả năng là gần phía bắc quần đảo Trường Sa vào ngày 9-4.
Nói về các hoạt động của nhóm tàu sân bay Mỹ, đại úy hải quân Stewart Bateshansky thuộc USS Makin Island nhấn mạnh đây là bằng chứng "thể hiện đầy đủ rằng Mỹ duy trì một lực lượng đáng tin cậy trong chiến đấu, có khả năng ứng phó với bất kỳ tình huống bất ngờ nào, ngăn chặn hành động xâm lược và cung cấp an ninh và ổn định để hỗ trợ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Việc tàu Theodore Roosevelt xuất hiện gần bãi cạn Scarborough cũng được xem là một thông điệp trấn an tới Philippines, đồng minh hiệp ước của Mỹ đang có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.
"Liêu Ninh sẽ xuất hiện ở Biển Đông thường xuyên"
Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời "một chuyên gia quân sự ẩn danh" cho rằng tàu Liêu Ninh sẽ xuất hiện tại Biển Đông thường xuyên hơn trước tốc độ phát triển tàu sân bay của Trung Quốc. Kể từ khi biên chế vào năm 2019, tàu sân bay Sơn Đông vẫn chưa có nhiều đợt đi biển do thiếu tiêm kích và phi công. Trung Quốc cũng được cho là đang đóng tàu sân bay thứ 3 nên nhu cầu tiêm kích và phi công sẽ còn tăng lên. Trong khi đó, Bắc Kinh chỉ có duy nhất một tàu sân bay huấn luyện là Liêu Ninh.
Việc tàu khu trục Type 055 Nam Xương nằm trong đội hình hộ tống tàu Liêu Ninh cũng cho thấy hải trình lần này mang tính huấn luyện. Tàu Nam Xương là tàu khu trục hạng nặng mới nhất và mạnh nhất của hải quân Trung Quốc và được kỳ vọng trở thành xương sống bảo vệ nhóm tàu sân bay tấn công của nước này.
TTO - Bức ảnh được hải quân Mỹ công bố cho thấy cảnh 2 sĩ quan trên tàu khu trục USS Mustin đang quan sát một tàu quân sự cỡ lớn từ khoảng cách gần. Con tàu sơn màu xám đó có số hiệu 16 và ngoại hình y hệt tàu sân bay Trung Quốc.
Xem thêm: mth.1362731131401202-gnod-neib-o-gnuc-couq-gnurt-yab-nas-uat-2/nv.ertiout