Đại dịch COVID-19 khiến suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong 90 năm với khoảng 120 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực |
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho biết, các báo cáo mới nhất chỉ ra rằng "đã có sự gia tăng 5.000 tỷ USD trong tài sản của những người giàu nhất thế giới trong năm qua" do đại dịch. Ông kêu gọi các chính phủ "xem xét đánh thuế liên đới hoặc thuế tài sản đối với những người đã trục lợi trong đại dịch, để giảm bớt sự bất bình đẳng cực đoan".
Lời kêu gọi của ông Guterres được đưa ra sau lời kêu gọi vào tháng 10 của Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ David Beasley đối với hơn 2.000 tỷ phú trên thế giới, với tổng tài sản ròng là 8.000 tỷ USD. Vào tháng 11, ông cảnh báo năm 2021 sẽ tồi tệ hơn năm 2020, và nếu không có hàng tỷ USD "chúng ta sẽ có nạn đói mới".
Ông Guterres nói với Diễn đàn của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc về Tài trợ cho Phát triển rằng kể từ khi đại dịch bắt đầu thì những phản ứng của mọi người vẫn là chưa đủ. Ông đã chỉ ra hơn 3 triệu ca tử vong, gia tăng nhiễm coronavirus, suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong 90 năm với khoảng 120 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực, tương đương với 255 triệu công việc toàn thời gian bị mất.
“Thúc đẩy một phản ứng toàn cầu công bằng và phục hồi sau đại dịch đang đặt chủ nghĩa đa phương vào bài kiểm tra. Cho đến nay, đó có thể là một thử nghiệm mà chúng tôi đã thất bại", ông nói.
“Nỗ lực tiêm chủng chỉ là một ví dụ”, ông Guterres nhấn mạnh chỉ có 10 quốc gia chiếm khoảng 75% tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu và nhiều quốc gia thậm chí còn chưa bắt đầu tiêm chủng cho nhân viên chăm sóc sức khỏe và những công dân dễ bị tổn thương nhất.
“Một số ước tính đưa chi phí toàn cầu của việc tiếp cận không bình đẳng và tích trữ vắc xin lên tới hơn 9.000 tỷ USD", Tổng thư ký LHQ cho biết thêm.
Sự thiếu đoàn kết toàn cầu cũng có nghĩa là trong khi một số quốc gia đã huy động hàng nghìn tỷ đô la để cứu trợ COVID-19 cho công dân của họ, “nhiều quốc gia đang phát triển phải đối mặt với gánh nặng nợ không thể vượt qua” và đối mặt với sự lựa chọn bất khả thi là trả nợ hoặc cứu mạng sống, tổng thư ký nói.
Guterres kêu gọi hành động khẩn cấp để cung cấp vắc xin cho tất cả mọi người, ở mọi nơi; để không chỉ giúp đỡ các nước đang phát triển mà còn các nước có thu nhập trung bình đang gặp khó khăn. Ông cho biết các khoản thanh toán nợ sẽ bị đình chỉ sau cuối năm 2022 và cộng đồng quốc tế cần giải quyết gốc rễ của cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu. Ông cho biết cũng phải có sự đầu tư “vào giáo dục, việc làm tốt và xanh, hệ thống bảo trợ xã hội và y tế".
Thủ tướng Pakistan Imran Khan cũng kêu gọi huy động tiền cho các nước đang phát triển “để phục hồi sau cuộc suy thoái do COVID gây ra” và đưa họ vào con đường đạt được các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc cho năm 2030, bao gồm xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực.
Ông cảnh báo nếu vắc-xin không được cung cấp cho mọi người ở khắp mọi nơi càng sớm càng tốt thì “vi-rút sẽ đi lang thang và quay trở lại", khi đó suy thoái kinh tế càng trầm trọng hơn.
Khan nói: “Việc sản xuất vắc-xin phải được đẩy mạnh. Các hạn chế về bằng sáng chế và chuyển giao công nghệ nên được miễn để thực hiện điều này".
Tổng thống Malawi, Lazarus McCarthy, chủ tịch của nhóm 46 quốc gia kém phát triển nhất, đã kêu gọi tiếp cận với vắc xin và tài trợ đầy đủ cho cơ sở COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới để mua và cung cấp vắc xin cho các quốc gia đang phát triển. WHO cho biết COVAX cần 5 tỷ USD vào năm 2021.
McCarthy nói với diễn đàn: Các quốc gia kém phát triển nhất, được gọi là LDCs, cũng muốn đảm bảo rằng “vắc xin COVID-19 vượt quá mức cung cấp hiện tại là 20%” cho toàn bộ dân số theo COVAX.
Ông cũng kêu gọi “xóa nợ hoàn toàn tất cả các khoản nợ song phương, đa phương và thương mại mà các nước LDCs đang mắc phải và tình trạng nợ đọng có hiệu lực ngay lập tức” và "tăng cường viện trợ phát triển bao gồm tài trợ để đưa các quốc gia nghèo nhất thế giới vào thế giới kỹ thuật số".
Thảo Nguyễn (theo AP)