Các tàu Trung Quốc xuất hiện gần đá Ba Đầu trên Biển Đông ngày 27-3 - Ảnh: REUTERS
Đá Ba Đầu là rạn san hô thuộc khu vực cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Philippines cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở khu vực này, và vừa qua đã thể hiện sự phản đối trước việc tàu Trung Quốc neo đậu đông đúc ở đây.
Trong tuyên bố mới nhất, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đã triệu tập đại sứ Hoàng vào ngày 12-4, yêu cầu Trung Quốc lập tức rút tất cả tàu khỏi khu vực quanh đá Ba Đầu và một số khu vực khác trên Biển Đông.
Hồi tháng 3, Philippines đã chỉ trích và yêu cầu Trung Quốc rút 220 tàu dân quân biển khỏi khu vực đá Ba Đầu. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana mô tả hành động của tàu Trung Quốc là "khiêu khích" và khẳng định đây là các tàu thuộc lực lượng dân quân biển, dù Trung Quốc nói đó chỉ là tàu cá trú bão.
Theo Hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Philippines ngày 13-4 đã nhắc lại với đại sứ Hoàng về chiến thắng của nước này trong phán quyết Biển Đông năm 2016.
Năm 2016, phán quyết của Tòa PCA thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 đã bác bỏ yêu sách "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc tự vẽ ra để đòi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn một mực không công nhận và không chịu thực thi phán quyết này.
Philippines cũng kêu gọi Đại sứ quán Trung Quốc đảm bảo "việc hành xử và tác phong phù hợp khi thực hiện nhiệm vụ của họ với tư cách là khách ở Philippines", sau khi Đại sứ quán Trung Quốc chỉ trích việc Manila yêu cầu Trung Quốc rút nhóm tàu ở khu vực đá Ba Đầu là "thiếu chuyên nghiệp".
"Cả hai bên cần đảm bảo sử dụng biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình đối với các khác biệt trong vấn đề Biển Đông", Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố.
Trong cuộc họp báo ngày 25-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh tàu cá Trung Quốc ở đá Ba Đầu đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển và đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002.
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực", bà Thu Hằng nhấn mạnh.
TTO - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 11-4 (giờ Việt Nam) có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, nhằm thảo luận tình hình Biển Đông gần đây cũng như những phương án thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước.