Sáng 13-4, phát biểu kết luận tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng mặc dù kinh tế - xã hội quý I phát triển rất tích cực nhưng TP vẫn đứng trước nhiều rủi ro, nhất là trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, sức ép của lạm phát và những biến động của thị trường bất động sản.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (trái) trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình bên lề hội nghị. Ảnh: MINH ANH
Dồn sức giải quyết những tồn đọng
Ngoài những rủi ro trên, ông Nên cũng cho rằng TP đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn chưa tháo gỡ xong. Trong đó có các dự án được dư luận quan tâm như dự án chống ngập do triều với tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng; giải quyết vấn đề tồn đọng sau thanh tra ở dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm và một số dự án về hạ tầng cũng như tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp.
Chính vì thế, ông Nên khẳng định thời gian tới TP sẽ dồn sức giải quyết những vấn đề trên để tạo sự ổn định, đồng thuận xã hội. “Vừa qua Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho TP.HCM. Đây là lối ra và cơ hội để TP trả nợ cho dân trong việc xử lý các tồn đọng này” - ông Nên nói.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM khẳng định đây là những công việc quan trọng, cấp bách đòi hỏi sự nỗ lực lớn và làm có thời điểm chấm dứt. “Trách nhiệm trước hết là của chính quyền TP, Ban cán sự đảng UBND TP, tập thể Ban chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy. Trong thực hiện cấp ủy các cấp, chính MTTQ, các đoàn thể cần huy động sức mạnh tổng hợp, sự chung tay của người dân TP” - ông Nên yêu cầu.
Gỡ vướng, mở cửa đón nhà đầu tư lớn
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, trong đó có việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư vào khu vực TP Thủ Đức và các dự án trọng điểm của TP.
Liên quan đến định hướng phát triển TP Thủ Đức trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu UBND TP cùng các sở, ngành rà soát chất lượng các đồ án quy hoạch, những khu vực chậm triển khai đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Đồng thời khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển cho TP Thủ Đức, vì đây là việc cấp thiết, không thể chậm hơn. “Có nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong và ngoài nước mong muốn đầu tư vào TP Thủ Đức. Vấn đề còn lại là chúng ta có sẵn sàng mở cửa, đáp ứng những điều kiện để đón họ vào đầu tư hay không” - ông Nên nói.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, ông Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng tiếp xúc các tập đoàn, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sẵn sàng cho việc hình thành các trung tâm về tài chính, giáo dục, khoa học công nghệ, dược liệu. Quan tâm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP. “Cần phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ. Trước mắt là dồn sức tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các dự án còn vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư” - ông Nên đề nghị.
Người đứng đầu có khi còn thiếu quyết liệt Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhìn nhận có nơi, có lúc, có cán bộ, kể cả người đứng đầu còn thư thả, thiếu tính quyết liệt. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả chung trong lãnh đạo và chỉ đạo điều hành. Từ đó, ông Nên đề nghị các đại biểu cần phân tích, mổ xẻ nghiêm túc và đi sâu làm rõ nguyên nhân những mặt hạn chế nêu trên. |
Không lơ là với dịch
Ngoài những vấn đề trên, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cũng lưu ý công tác phòng chống dịch COVID-19 vẫn là ưu tiên số một, không thể lơ là. Do vậy cần tiếp tục tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, như khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, tăng cường quản lý người xuất nhập cảnh trái phép và cảnh báo người dân không nên che giấu, chứa chấp người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Chủ động có kế hoạch triển khai nếu Chính phủ có chủ trương công nhận “hộ chiếu vaccine” để thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế.
Trong điều kiện dịch bệnh còn gây tác động đến sản xuất, đời sống bình thường của người dân, Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị chính quyền và các cơ quan chức năng cần có giải pháp kịp thời hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh. Song song đó là giải quyết chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, thực hiện chính sách bảo trợ, an sinh xã hội cho người dân, nhất là những người yếu thế.
Ngoài ra, cần tổ chức thật tốt công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, làm sao ngày bầu cử diễn ra an toàn, thật sự là ngày hội của toàn dân.
Tập trung yên dân, không để phát sinh điểm nóng
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thông qua chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TP.HCM về công tác vận động nhân dân với tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó có các giải pháp về tăng cường đổi mới sự lãnh đạo của Đảng với công tác dân vận, đẩy mạnh mối quan hệ gắn bó mật thiết của Đảng với nhân dân.
Bên cạnh đó là nhóm giải pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức xử lý đúng quy định các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, đảm bảo không phát sinh điểm nóng, phức tạp kéo dài trên địa bàn TP.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng công tác vận động nhân dân có vai trò rất quan trọng trong củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, chung tay xây dựng phát triển TP. Do đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã chọn nội dung này là một trong các khâu đột phá đầu tiên nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM.
Chính vì thế, trong thời gian tới, ông đề nghị cơ quan chủ trì phải đeo bám, đôn đốc triển khai quyết liệt để làm chuyển biến nhận thức trong hệ thống chính trị về vị trí, vai trò công tác vận động nhân dân trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng công tác dân vận, nhất là trong các vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc.
Kinh tế TP.HCM phục hồi rõ nét
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết trong quý I, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ba tháng đầu năm ước đạt gần 330.000 tỉ đồng, tăng 4,58% (tăng gần 11 lần so với cùng kỳ, cùng kỳ tăng 0,42%). Tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 104.000 tỉ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần bốn lần, số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng hơn 98%, doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới tuy giảm về số lượng nhưng tăng về vốn đăng ký với mức trung bình đạt gần 1 triệu USD/doanh nghiệp. “Điều này chứng minh số lượng doanh nghiệp thành lập mới có quy mô ngày càng lớn” - ông Hoan nói. Tuy nhiên, ông Hoan cũng nhìn nhận còn một số ngành, lĩnh vực có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ như kim ngạch xuất khẩu, du lịch lữ hành tiếp tục giảm sâu (giảm gần 60%). Một điểm sáng được Bí thư Nguyễn Văn Nên nêu ra là một số quận, huyện đã có cách làm mới, sáng tạo, đặc biệt làm rất tốt công tác vận động nhân dân để mở hẻm khu phố. Điều này đã được xã hội đồng tình đánh giá rất cao. Tuy nhiên, ông Nên cũng nhìn nhận còn nhiều việc cần làm, nhiều vấn đề cần tháo gỡ, nhiều việc tồn đọng phải giải quyết trong thời gian tới. Cụ thể là việc triển khai các chương trình trọng điểm, đột phá của TP và chủ đề của năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, dù đã khởi động nhanh hơn trước nhưng chưa đồng bộ và tăng tốc chưa kịp thời. Công tác cải cách hành chính còn chậm. Đáng chú ý, trong quý I, số doanh nghiệp đăng ký hoạt động mới giảm gần 21%, doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng hơn 36%. “Con số này không nói lên tất cả nhưng cũng phải suy nghĩ, tìm nhanh các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới” - ông Nên yêu cầu. Bên cạnh phát triển kinh tế, ông Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng các vấn đề như trật tự an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, cháy nổ, tệ nạn xã hội... có lúc, có nơi vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức xây dựng và chỉnh đốn Đảng, công tác kiểm tra giám sát, thanh tra xử lý sai phạm mặc dù được đẩy mạnh, đem lại kết quả tích cực nhưng cũng chưa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đồng bộ. |