Xót xa những cánh đồng nứt nẻ miền Tây
Những ngày đầu tháng 4/2021, chúng tôi tìm về huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang), một trong các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ hạn hán và xâm nhập mặn.
Thay vì làm 3 vụ như trước, những hộ dân ở Gò Công Tây chỉ còn canh tác được 2 vụ vì thiếu nước ngọt
So với một năm trước đây, tình hình hạn mặn ở huyện Gò Công Tây có phần đỡ hơn khi người dân có sự chuẩn bị về nguồn nước sinh hoạt lẫn trồng trọt, chăn nuôi.
Ngồi trước cánh đồng khô hạn, cây lúa chết "yểu" vì thiếu nước, chị Nguyễn Thị Oanh (33 tuổi, ngụ xã Long Bình) thở dài.
"Giờ chỉ chờ đến mùa mưa mới gieo sạ được, chứ trồng xuống là chết luôn. Em nhìn này, có mé mé này lúa mới sống được thôi, ở giữa khô khốc cả rồi", vừa nói, chị Oanh chỉ tay về phía đám ruộng, đất đai nứt toác, khô hạn.
Những đồng ruộng nứt nẻ, đất đai bạc màu vì thiếu nước...
Không có nhiều đất đai để canh tác, hai vợ chồng chị Oanh sống nhờ vào việc làm thuê, trồng lúa mướn cho người ta. Tuy nhiên, mấy tháng nay, chị rơi vào cảnh "thất nghiệp" vì thiếu việc làm, người dân không thể nào gieo sạ được vì thiếu nước.
"Năm nay nhà nước cho sạ có 2 vụ thôi, tầm này năm ngoái là lúa bắt đầu vào mùa gặt rồi. Nắng nóng thì đỡ hơn trước những vẫn còn khắc nghiệt quá, trồng lúa mà không có nước thì chết luôn", chị Oanh nói.
Hai mẹ con chị Oanh buồn bã vì đợi mãi trời không mưa
Đứng cạnh chị Oanh, Huy - cậu con trai có nước da đen nhẻm, vừa nói vừa cười: "Trời nắng lắm nên da con cháy hết. Đây nè, đen thui luôn".
Với những đứa trẻ như Huy, vài năm trước khi hạn mặn chưa nghiêm trọng, sau khi học trên trường, chúng thường ra ngoài ruộng, mé sông để mò ốc, bắt cá. Nhưng giờ thì kênh đã gần cạn nước, lại bị nhiễm mặn, niềm vui tuổi thơ cũng chẳng còn.
Nụ cười hồn nhiên của Huy giữa đồng khô nắng cháy
Cách nhà Huy mấy căn, anh Nguyễn Văn Nhi (ngụ ấp Hòa Phú, xã Long Bình) đưa tay quệt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, hướng mắt về phía bờ sông, buồn rầu: "Cái sông kia giờ nhiễm mặn đắng luôn rồi, thời tiết gì mà càng ngày càng nóng, không như trước nữa. Mọi năm anh còn trồng lúa được 3 vụ, giờ chỉ có 2 thôi. Mà không biết khi nào mới gieo sạ được".
Anh Nhi lo lắng vì thời tiết nắng nóng kéo dài
Theo anh Nhi, đợt hạn mặn kéo dài trong năm 2020 khiến hàng ngàn hộ dân ở các tỉnh miền Tây bị ảnh hưởng nặng nề, cây trồng chết khô vì thiếu nước tưới. Năm nay, chính quyền thông báo chỉ được làm 2 vụ, mỗi công đất trồng lúa sẽ được hỗ trợ 200 ngàn. Nhưng mà khi nào gieo sạ thì phải "tùy theo con nước, mưa sớm mưa trễ, khi nào có nước mới dám trồng".
"Nhà anh có 2 công ruộng thôi, mọi năm thì làm được 3 mùa, kiếm một công ruộng ít nhất cũng 2 triệu tiền lời. Năm nay thì chịu, cái vuông này này, đào lên để nuôi tôm nước lợ, mà hết dịch này tới bệnh kia, giờ khó khăn lắm", anh Nhi chia sẻ.
Phần lớn những sông ngòi ở huyện Gò Công Tây đều đã bị nhiễm mặn
"Nhiều người khổ quá, đất đai bỏ không mần được"
Theo nhiều người dân, dù năm nay tình hình khô hạn vẫn chưa "kinh hoàng" như năm 2020 nhưng hầu hết đất đai, nước sông đều đã nhiễm mặn. Để có nước sinh hoạt, nhiều đường ống dẫn nước từ cây nước chính đã được kéo về nhà người dân. Tuy nhiên, muốn sử dụng nước này, cần phải qua một khâu xử lý.
Lu nước sông được anh Phương sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày
Cầm trên tay bịch xử lý nước sông đổ vào lu, anh Nguyễn Hồng Phương (44 tuổi, ngụ xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông) cho biết mấy tháng nay, anh không thể nhớ hết số lần phải đi mua bịch xử lý nước để sử dụng.
Dù nước sông đã nhiễm mặn nhưng không còn cách nào khác, gia đình anh Phương cũng như người dân tại đây buộc lòng phải xử lý nước để dùng trong sinh hoạt tắm giặt hằng ngày.
Ngồi trong căn nhà nhỏ, chị Nguyễn Thị Cảnh (vợ anh Trung) vẫn còn nhớ như in cảnh tượng xếp hàng dài đợi xin nước vào đợt hạn mặn năm 2020.
Phần cặn đọng lại dưới đáy sau khi cho bịch xử lý nước vào trong lu
"Lúc đó kinh khủng lắm, thiếu nước trầm trọng luôn, chị xách xe chạy đi xa lắc để xin nước mà không có. Hôm nào may mắn thì xin được 1 can 30 lít về dùng, có bữa về tay không. Ai nấy đều mệt mỏi vì trời nắng nóng mà xếp hàng dài, chen nhau để xin nước. Cái kênh này (phía trước nhà) cạn luôn, đất nứt nẻ cả", chị Cảnh nhớ lại.
"Như nhà chị nè, có 1 cái thau lớn, đứng tắm trong đó rồi lấy lại nước tắm để đi dội bồn cầu, giặt đồ chứ có đủ nước để dùng đâu. Ăn uống thì mua nước bình, 12 ngàn 1 bình 20 lít mà dùng, tốn tiền lắm em ơi", chị Cảnh chua xót.
Không còn cách nào khác, người dân đều dẫn nước sông nhiễm mặn vào nhà để dùng
Cây lúa không thể nào sống được vì thiếu nước
Theo vợ chồng chị Cảnh, tình trạng hạn mặn đã kéo dài từ rất lâu nhưng chưa có năm nào, người dân ở miền Tây phải oằn mình sợ hãi như năm 2020. Cây trái thì chết khô, đất đai nhiễm mặn, thiếu nước, không thể nào trồng trọt, thời tiết bất ổn khiến việc chăn nuôi cũng khó khăn hơn…, giờ nhắc lại, ai nấy đều lo sợ.
"Lo lắm, năm nay mà hạn kéo dài như năm ngoái chắc bà con không biết xoay xở ra sao. Nhiều người khổ quá, đất đai bỏ không mần được. Không có nước khổ lắm, thiếu gì cũng được, chứ thiếu nước sao được", anh Phương nói.
Nhiều diện tích hoa màu bị hư hại do thiếu nước tưới
Có lẽ với người dân trong vùng hạn mặn ở miền Tây, điều họ mong muốn nhất lúc này là trời nhanh chóng mưa xuống để mùa vụ được tiếp tục diễn ra. Chứ kéo dài, người dân khổ càng thêm khổ…
Thông tin từ Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, mùa mưa năm nay tại miền Nam có thể đến sớm hơn mọi năm, tập trung khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5.
Tuy nhiên, lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với những năm trước đây, các cơn mưa lớn diện rộng sẽ có khoảng 7-8 đợt, xuất hiện từ khoảng tháng 5-10, trung bình mỗi tháng có 1-2 đợt mưa lớn.
Việc dự báo lượng mưa thiếu hụt trong năm 2021 sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân miền Tây, cho nên cần phải chuẩn bị các biện pháp để tích trữ nước ngọt cũng như đưa ra được giải pháp cho các hiện tượng xâm nhập mặn.
VĂN TIÊN - NGỌC HẢI
DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ