vĐồng tin tức tài chính 365

Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Sai sót trong việc không chỉ đạo dừng hợp đồng

2021-04-14 09:03

Ngày 13/4, phiên tòa xét xử vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) tiếp tục với phần xét hỏi. Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát, các luật sư đã đặt câu hỏi nhằm làm rõ trách nhiệm của các bị cáo trong vụ án, trong đó tập trung làm rõ sai sót của từng bị cáo trong việc không chỉ đạo dừng hợp đồng khi đối tác vi phạm thỏa thuận.

Trả lời tại tòa, bị cáo Mai Văn Tinh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam - VNS) cho biết, khi nhà thầu MCC (Tập đoàn luyện kim Trung Quốc) vi phạm hợp đồng, bị cáo đã không chỉ đạo dừng hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, bởi thời điểm đó, không ai có ý kiến đề xuất dừng hợp đồng. Mặt khác, cấp dưới lại có đề xuất tìm cơ chế đặc thù để giải quyết dự án theo hướng tốt nhất, nhanh nhất.

Về việc giới thiệu Tổng Công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) để thực hiện phần C trong hợp đồng EPC số 01#, bị cáo Mai Văn Tinh khai vừa làm theo sự giới thiệu của cấp trên, vừa căn cứ vào văn bản của TISCO trình lên. Bị cáo Tinh cũng cho rằng thẩm quyền chọn nhà thầu phụ thuộc về nhà thầu chính MCC chứ không phải của VNS.

Trong việc thay đổi cơ cấu đầu tư, tăng chi phí phần C, bị cáo Mai Văn Tinh cho rằng không làm tăng tổng vốn đầu tư mà chỉ điều chỉnh giá; đồng thời khẳng định, mọi việc liên quan đến dự án này, VNS không được tự quyết mà phải xin phép Bộ chủ quản là Bộ Công Thương. Còn trách nhiệm trực tiếp quản lý dự án thuộc về TISCO.

Cũng về vấn đề dừng hợp đồng khi nhà thầu MCC có vi phạm, khi trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Trần Trọng Mừng (nguyên Tổng Giám đốc TISCO) lại cho biết bị cáo đã ký tờ trình Hội đồng quản trị, sau đó có gửi văn bản kiến nghị Bộ Công Thương và VNS xin xem xét chỉ đạo dừng dự án, thu hồi tiền tạm ứng và yêu cầu nhà thầu MCC bồi thường. Tuy nhiên, bị cáo Mừng cho biết, bị cáo không nhận được bất kỳ văn bản phúc đáp nào từ Bộ Công Thương và VNS.

Bị cáo Trần Trọng Mừng cũng cho biết, trong giai đoạn từ 2007 - 2009 bị cáo tham gia dự án, tất cả mọi chủ trương bị cáo đều xin ý kiến của các cấp lãnh đạo và thực hiện theo chỉ đạo từ cấp trên.

Trong việc giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ thực hiện phần C thuộc hợp đồng EPC số 01#, bị cáo Mừng thừa nhận có trách nhiệm khi không thẩm định, điều tra mà tin vào sự giới thiệu của cấp trên và báo cáo của cấp dưới khi nói rằng đã khảo sát xong.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, khi MCC vi phạm hợp đồng, bị cáo Trần Trọng Mừng đã không xem xét dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, báo cáo người có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu, tổ chức đấu thầu lại theo quy định, để đảm bảo hiệu quả và tiến độ của dự án mà lại chỉ đạo đàm phán với MCC để tách phần C ra khỏi Hợp đồng EPC số 01#, TISCO tổ chức thực hiện và chịu rủi ro; ký các văn bản báo cáo VNS và Bộ Công Thương đề nghị báo cáo Chính phủ cho phép điều chỉnh giá đối với phần C của hợp đồng; giới thiệu và chấp thuận VINAINCON không đủ năng lực làm nhà thầu phụ thực hiện phần C theo đơn giá...

Khi được TISCO báo cáo việc MCC vi phạm hợp đồng, bị cáo Mai Văn Tinh đã không chỉ đạo xem xét dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, xem xét để hủy đấu thầu, tổ chức đấu thầu lại theo quy định, để đảm bảo hiệu quả và tiến độ của dự án. Bị cáo Tinh còn chỉ đạo đàm phán với MCC để giải quyết các phát sinh của Hợp đồng EPC số 01#; trực tiếp ký các văn bản đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cho điều chỉnh chi phí (dự toán) phần C của Hợp đồng EPC số 01#; ký văn bản đề nghị Chính phủ đồng ý chủ trương chấp thuận VINAINCON không đủ năng lực làm nhà thầu phụ thực hiện phần C, cho phép chủ đầu tư được thực hiện phần C theo đơn giá điều chỉnh...

Phân tích động cơ, mục đích của các bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đã đặt câu hỏi với các bị cáo Trần Trọng Mừng, Đồng Quang Dương (nguyên Phó Giám đốc kiêm Thư ký dự án) và Đặng Thúc Kháng (nguyên Trưởng Ban kiểm soát VNS). Các bị cáo khi trả lời câu hỏi của luật sư Thiệp đều cho rằng, toàn bộ hành vi đã thực hiện trong vụ án đều có mục đích quyết tâm thực hiện bằng được dự án, tháo gỡ khó khăn và giải quyết việc làm cho người lao động của TISCO. Các bị cáo không có hiểu biết rằng các việc làm đó sẽ vi phạm pháp luật tại thời điểm thực hiện.

Sáng 14/4, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.70965928041401202-gnod-poh-gnud-oad-ihc-gnohk-ceiv-gnort-tos-ias-neyugn-iaht-peht-gnag-uv-ux-tex/taul-pahp/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Sai sót trong việc không chỉ đạo dừng hợp đồng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools