Quý 1/2021, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 2 triệu tấn thép thô, tăng 60% so với cùng kỳ. Trong khi đó, Formosa Hà Tĩnh đứng thứ hai với sản lượng 1,62 triệu tấn, thấp hơn 20% so với sản lượng của Hòa Phát.
Như vậy, Hòa Phát đã vượt qua Formosa Hà Tĩnh để trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.
Riêng trong tháng 3, Hòa Phát đạt 700.000 tấn thép thô, tăng 56% so với cùng kỳ và là mức cao nhất từ trước đến nay. Thị phần thép xây dựng, ống thép Hòa Phát lần lượt là 33,8% và 30,19%. Tôn Hòa Phát hiện có thị phần gần 6%, đứng trong top 5.
Sản lượng thép thô của Tập đoàn Hòa Phát hiện đạt trên 8 triệu tấn/năm trong đó bao gồm trên 5 triệu tấn thép xây dựng và 3 triệu tấn HRC/năm. Trong đó, Khu liên hợp tại Dung Quất là lớn nhất với sản lượng sản xuất đạt 5,2 triệu tấn/năm, tiếp đến là Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Hải Dương với 2,5 triệu tấn/năm. Tổ hợp luyện cán thép tại Hưng Yên công suất 400.000 tấn/năm. Dự kiến khi hoàn thành dự án Hòa Phát Dung Quất 2, sản lượng thép thô của Hòa Phát sẽ đạt 14 triệu tấn/năm.
Ngày 22/4 tới đây, Hòa Phát sẽ họp đại hội cổ đông thường niên năm 2021. Theo đó, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu năm nay là 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 18.000 tỷ đồng. So với kết quả năm 2020, doanh thu dự kiến tăng 31% và lợi nhuận tăng 33%.
Công ty sẽ trả cổ tức tỷ lệ 35% cho năm 2020, trong đó 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 2 và quý 3 năm nay. Cổ tức cho năm 2021 dự kiến 30%.
Ngoài ra, Hòa Phát sẽ trình cổ đông kế hoạch thực hiện dự án đầu tư khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Đây là dự án có diện tích 283,73ha, tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng, gồm 70.000 tỷ đồng vốn cố định và 15.000 tỷ đồng vốn lưu động.
Dự án có công suất 5,6 triệu tấn/năm, gồm 4,6 triệu tấn thép dẹt và 1 triệu tấn thép thanh, thép dây chất lượng cao.
Hòa Phát dự kiến xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày bàn giao đất và cấp Giấy phép xây dựng.
Hà My
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị