Thạc sĩ Bùi Tiến Phúc và họa sĩ Trần Bội Tuyền mang thủy ấn họa đến gần hơn với mọi người - Ảnh: PHƯƠNG NAM
Tờ gác tức là trang đầu tiên của quyển sách, được xem là trang quan trọng, nhất là đối với những quyển sách phiên bản đặc biệt. Tờ gác này có nhiều màu sắc, hoa văn khác nhau được thực hiện thủ công bởi kỹ thuật thủy ấn họa hay còn gọi là nghệ thuật áng mây.
Thạc sĩ Bùi Tiến Phúc - tốt nghiệp chuyên ngành bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Đài Loan, họa sĩ Trần Bội Tuyền - người Đài Loan, tốt nghiệp cử nhân Học viện Mỹ thuật SAIC, Mỹ - là hai người đưa kỹ thuật thủy ấn họa đến gần hơn với khán giả.
Theo anh Bùi Tiến Phúc, thủy ấn họa là phương pháp thiết kế hoa văn trên bề mặt nước từ các loại thuốc nhuộm, dung dịch lỏng hay màu nước, để tạo ra các tác phẩm có hoạ tiết tương tự như đá hoa cương, vân cát chảy hay các hoa văn sáng tạo khác.
Nhiều nhà sách chuộng đưa giấy làm từ kỹ thuật thủy ấn họa làm tờ gác của sách
Để tạo ra một tờ gác cơ bản phải trải qua 4 bước: Bước đầu tiên chuẩn bị khay đựng nước, dung dịch keo, giấy, màu, các công cụ liên quan.
Bước 2, rắc hoặc nhỏ màu lên bề mặt dung dịch để tạo hoa văn theo mong muốn. Bước 3, nhúng tờ giấy lên bề mặt dung dịch để in hoạ tiết lên giấy. Bước 4, nhấc tờ giấy lên để ráo và làm khô.
"Cái khó của kỹ thuật thủy ấn họa là đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức về hội họa, am hiểu sự phản ứng hóa học giữa các màu với nhau, bởi màu sắc rất quan trọng trong việc tạo ra những đường nét hoa văn đặc thù riêng.
Thông thường, chúng ta sẽ sử dụng từ 3 đến 5 màu để rắc. Nếu dùng quá nhiều màu sẽ gây rối mắt. Kỹ thuật này thực hiện không khó nhưng đòi hỏi phải thực hành nhiều lần mới có thể thành thục" - anh Phúc cho biết.
Kỹ thuật rắc màu này khó nhất là họa ra những bức tranh độc bản như bông hoa, chim cảnh hay những hình thù đòi hỏi người làm phải là họa sĩ mới có thể thực hiện được.
Người thực hiện kỹ thuật thủy ấn họa mất khoảng 15 phút để tạo ra thành phẩm
Theo chị Bội Tuyền, sáng tạo hoa văn đặc biệt cần có công cụ chuyên dụng như bộ lược chải để cho ra hoa văn đều đặn và đẹp mắt hơn. Ngoài ra, người thực hiện kỹ thuật họa ấn thủy còn có thể dùng ống hút để thổi hoặc rung chậu nước để tạo hiệu ứng.
Ngoài dùng để đóng sách cho những ấn bản có số lượng xuất bản giới hạn dưới 100 quyển hoặc phiên bản sách đặc biệt, những sản phẩm in từ kỹ thuật thủy ấn họa còn thường dùng viết thư pháp hay bìa sách.
Đối với những ấn phẩm phát hành từ 1.000 đến 3.000 cuốn mà muốn sử dụng tờ gác thủ công, người nghệ nhân sẽ làm ra một tờ đặc biệt, sau đó nhân bản bằng kỹ thuật hiện đại.
Làm giấy gác từ kỹ thuật thủy ấn họa xuất phát từ nhu cầu của các nhà phát hành sách tại Việt Nam. Kỹ thuật này được biết đến từ năm 2018. Mới đây, công ty sách Đông A đã ký hợp tác độc quyền, sử dụng các sản phẩm thủy ấn họa của Bùi Tiến Phúc cùng họa sĩ Trần Bội Tuyền nhằm nâng cao chất lượng các bản sách giới hạn, phiên bản đặc biệt.
Nghệ thuật áng mây (thủy ấn họa) bắt nguồn từ Trung Quốc. Sau đó truyền sang Hàn Quốc rồi Nhật Bản.
Đến thế kỷ thứ 15, nghệ thuật áng mây xuất hiện ở Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ với tên gọi nghệ thuật vẽ tranh trên mặt nước hay tác phẩm cẩm thạch trên giấy.
Cuối thế kỷ 16, chúng được truyền sang Tây Âu và được phát triển thành nét riêng của từng quốc gia.
TTO - Chương trình Tháng 3 sách Trẻ của NXB Trẻ định kỳ hằng năm vừa được khởi động với hàng trăm đầu sách được bán giảm giá trên toàn quốc lên đến 20%.
Xem thêm: mth.27200912231401202-coun-tam-nert-hnart-ev-tauht-ehgn-oad-cod-aoh-na-yuht/nv.ertiout