Lướt qua đề án tuyển sinh của các trường đại học, trường nào cũng lần lượt tăng học phí, ít thì tăng 10% theo lộ trình nhưng nhiều thì cũng một loạt trường tăng theo cơ chế tự chủ, gấp 2-3 lần mức thu cũ.
Là các trường công lập mà học phí toàn từ 20 đến tận 70 triệu đồng/năm học, nhất là khối ngành y dược, cũng xêm xêm với không ít trường tư hiện nay.
Tôi nhớ đến thời năm 2006, khi tôi trở thành tân sinh viên của Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Học phí ngày đó rất thấp, cả năm chỉ chừng 1,8 triệu đồng mà đi học đã trầy trật, trầy trật với cả gia đình tôi. Nhà tôi có bốn anh em nhưng chỉ có mình tôi được học lên ĐH, thế mà giờ mỗi lần nhắc đến giai đoạn đó là mẹ tôi “khiếp”. Nhà nông đi làm thuê ngày được 20.000 đồng, cà phê trong vườn chưa đến mùa đã bị chủ nợ xiết hết, vay chồng vay, lãi chồng lãi.
Ngày nhập học, chỉ mới thủ tục yêu cầu phải đóng học phí hơn một triệu mà cả nhà nâng lên đặt xuống để đưa ra quyết định cho tôi, rằng có nên đi học hay không?
Xã ở Lâm Đồng rất “nhân văn”, cứ nhà ai có con đi học ĐH là mặc định đưa nhà đó vào diện hộ nghèo. Nhà tôi cũng được vào diện đó, nhờ vậy mà học phí của tôi được giảm 50%, nhưng vẫn chả thấm vào đâu với hoàn cảnh éo le ngày ấy. Vì tiền học, tiền sách vở, tiền ăn, tiền ở…
Tôi cũng đi làm thêm, mà với tiền làm thêm đủ việc ngày ấy cũng chỉ bớt được phần ăn trưa và tối, ngày được 10.000 đồng thật chẳng thấm vào đâu. Cứ mỗi tháng tôi mua trữ hẳn một thùng mì 30 gói (30.000 đồng) mà ai cũng xót.
Lên được năm thứ ba, tôi được vào diện miễn học phí theo chính sách khu vực vùng cao, nhà nước cũng triển khai chính sách cho sinh viên vay tiền học với lãi suất thấp nên gia đình tôi mới ổn hơn chút, có chỗ vay tiền cũng đỡ đần được nhiều.
Mãi đến khi vừa thực tập vừa đi làm thêm, thu nhập tôi bắt đầu có được chút để góp trả nợ và lo tiền ăn ở. Đến nỗi ngày ra trường, lớp tôi muốn tổ chức lễ ra trường riêng, mỗi người đóng vài trăm ngàn gì đó, tôi nghe là từ chối luôn, tiếc tiền và cũng vì không có tiền.
Kể dông dài vậy chỉ để thấy rằng đi học ĐH là cả một vấn đề lớn, bao nhiêu khoản phải lo, học phí là nỗi đáng sợ chứ không phải đùa, nhất là với những gia đình mức sống trung bình đổ lại.
Bây giờ học phí cao ngất, là nỗi lo không nhỏ của biết bao sinh viên tỉnh lẻ.
Mỗi lần tôi được mời dự lễ khai giảng của các trường ĐH, thấy nhà trường trao học bổng rất lớn cho thủ khoa, á khoa đầu vào, vài tỉ hay thậm chí hàng chục tỉ đồng, tôi cứ thấy lấn cấn điều gì đó.
Các em học giỏi, các em được khen thưởng là xứng đáng nhưng nếu các em ấy không thuộc diện khó khăn thì liệu có cần tài trợ nhiều như vậy không? Hay nhà trường nên có cách khen thưởng nào khác, để vừa vẫn khuyến khích những em giỏi mà vẫn dành được các nguồn học bổng ấy cho sinh viên khó khăn hơn?
Vì những em khó khăn mà học giỏi thực sự không nhiều và cũng khó có vị trí giỏi nhất để dành được những suất học bổng đó. Các em đậu được ĐH đã là nỗ lực lắm rồi. Ngay cả những chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên nghèo cũng chẳng được bao nhiêu so với mức học phí khổng lồ trên vai các em.
Vừa học vừa làm thêm lại càng khó để được vào diện khá giỏi mà nhận học bổng trong quá trình học.
Thiết nghĩ, bên cạnh việc tăng học phí cũng thực sự cần những giải pháp đa dạng khác để cơ hội vào ĐH rộng mở đến mọi người hơn. Có thể xã hội hóa bằng thu hút nhiều nguồn học bổng từ doanh nghiệp, từ cựu sinh viên… dành cho những em có năng lực học nhưng không có điều kiện tài chính....
Tăng học phí theo cơ chế tự chủ là tất yếu, là điều kiện cần thiết để có nguồn lực đầu tư, để nâng chất lượng đào tạo nhân lực thay vì cứ mãi phụ thuộc vào bao cấp của nhà nước. Nhưng hãy tăng làm sao để con đường vào đại học rộng mở cho học sinh.