15 năm trước, Hooi Ling Tan – nhà đồng sáng lập Grab rất sợ hãi khi bắt taxi ở quê nhà Kuala Lumpur. Là một nhà phân tích kinh doanh của công ty tư vấn quản lý McKinsey, Hooi Ling thường xuyên phải về nhà muộn. Khi đó, thủ đô của nổi tiếng là nơi có một trong những hệ thống taxi tồi tệ nhất thế giới. Tan cho biết cô không cảm thấy an toàn khi tự lái xe về nhà vì sợ sẽ ngủ quên và cô cũng sợ ngồi taxi một mình.
Để đảm bảo an toàn, Hooi Ling cùng mẹ tạo ra một hệ thống GPS thủ công: Mỗi lần đi taxi, cô nhắn cho mẹ biển số, tên tài xế và số đăng ký của chiếc taxi. Khi đi qua một điểm nổi tiếng của thành phố, cô sẽ nhắn tiếp để mẹ cô biết khoảng cách từ đó đến nhà là bao xa.
Hooi Ling chia sẻ: "Mỗi đêm, bà ấy đều ngủ ở sofa phòng khách để đợi tôi về".
Ở thời điểm hiện tại, Grab – startup có trụ sở tại Singapore do Hooi Ling Tan thành lập cùng Anthony Tan đã trở thành hãng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á. Công ty vừa công bố thỏa thuận sáp nhập với một công ty SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt: công ty đã niêm yết trên thị trường chứng khoán chuyên thâu tóm các công ty thật). Grab được định giá 39,6 tỷ USD và là thương vụ sáp nhập với SPAC lớn nhất thế giới đến nay.
Dù vậy, CEO Anthony Tan cho biết công ty sẽ vẫn tập trung vào thị trường Đông Nam Á sau khi niêm yết tại Mỹ.
Tấm séc 10.000 USD đầu tiên của Grab
Grab – công ty từng được gọi là "Uber của Đông Nam Á" ra mắt cách đây gần một thập kỷ với tư cách là một nền tảng gọi xe. Sau đó, Grab đã chuyển đổi hoạt động kinh doanh thành một "siêu ứng dụng" – nền tảng duy nhất cung cấp đồng thời các dịch vụ của Uber, DoorDash (giao đồ ăn), PayPal cùng nhiều dịch vụ khác.
Hooi Ling Tan và bạn học Anthony Tan (2 người không có quan hệ họ hàng) gặp nhau lần đầu tại Trường Kinh doanh Harvard. Hooi Ling lớn lên trong một gia đình trung lưu điển hình.
Trong khi đó, Anthony sinh ra trong một trong những gia đình giàu có nhất Malaysia. Cha của anh là CEO của Tan Chong Motor – một trong những nhà phân phối ô tô lớn nhất nước này.
Tại Harvard, 2 người ngồi cạnh nhau trong một lớp học kinh doanh. Họ cùng viết kế hoạch cho một ứng dụng di động giúp kết nối tài xế với người có nhu cầu ở Malaysia. Dự án của họ sau đó đã được nộp lên tham gia một cuộc thi của trường. Với vị trí á quân, Hooi Ling và Anthony nhận được tấm séc trị giá 10.000 USD. Hooi Ling cho biết lý do họ không giành được giải nhất là ban giám khảo cảm thấy Malaysia là một thị trường quá nhỏ.
Khoản tiền 10.000 USD cùng số tiền đầu tư của mẹ Anthony đã giúp 2 người ra mắt ứng dụng MyTeksi vào tháng 6/2012. Startup non trẻ của họ có khởi đầu khá chậm chạp trong thời gian đầu.
Cuộc gặp "bí mật" với CEO Uber
6 năm sau, Grab đã tìm cách thực hiện một thỏa thuận mua lại mảng hoạt động của Uber ở Đông Nam Á. Lúc đó, Uber đang cạnh tranh với Grab tại 8 thị trường phát triển nhanh, bao gồm Singapore, Indonesia và Thái Lan với vốn đầu tư 700 triệu USD.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Anthony miêu tả cuộc gặp bí mật tại San Francisco của anh với Dara Khosrowshahi – CEO của Uber: "Chúng tôi gặp nhau ở một nơi cách xa văn phòng và báo giới. Chúng tôi xây dựng lòng tin theo cách đó".
Đến tháng 3/2018, thương vụ đã được thực hiện. Uber rời thị trường Đông Nam Á với 27,5% cổ phần trong Grab và Khosrowshahi tham gia vào hội đồng quản trị công ty.
Trong những năm gần đây, Grab đã phát triển thành nền tảng siêu ứng dụng hàng đầu ở Đông Nam Á, mở rộng phạm vi dịch vụ của mình ra giao hàng, thanh toán di động và dịch vụ tài chính trên 428 thành phố ở 8 quốc gia.
Ngoài việc phá kỷ lục thương vụ SPAC lớn nhất, Grab cũng được kỳ vọng sẽ trở thành thương vụ IPO lớn nhất từ trước đến nay tại Mỹ của một công ty Đông Nam Á.
Nguồn: BI
Mộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị