Vượt qua mặc cảm số phận
Tìm về thôn Hiệp Hòa (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cách trung tâm TP.Buôn Ma Thuột khoảng 30km, chúng tôi được nghe người dân và chính quyền địa phương nơi đây dành không ít lời khen ngợi đối với tinh thần vượt khó vươn lên của chàng thanh niên 22 tuổi – Nguyễn Đức Thành.
Là con thứ 2 trong gia đình có hai chị em, lại có gia cảnh khó khăn nên ngay từ nhỏ Thành không ngừng phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống. Thành cho hay: “Không chỉ khó khăn về kinh tế, từ nhỏ tôi còn bị nhiều người né tránh, kỳ thị bằng những lời nói khó nghe chỉ vì bố tôi là người nghiện ma túy. Đi đến đâu, mọi người cũng nói tôi là con của người nghiện. Điều này, khiến cho một đứa trẻ mới lớn như tôi lúc đầu cảm thấy rất tủi thân. Thế nhưng, điều đó không làm tôi buông bỏ mà hạ quyết tâm phải sống thật tốt để mọi người có cái nhìn khác về một đứa trẻ xuất thân từ hoàn cảnh khắc nghiệt như mình”.
Năm 2014, bố qua đời cũng là lúc Thành vừa học xong trung học cơ sở. Chứng kiến những gánh nặng kinh tế đè lên vai người mẹ gầy yếu, Thành đã đi đến quyết định nghỉ học để ở nhà phụ giúp gia đình. Rời khỏi ghế nhà trường khi tuổi đời còn quá nhỏ và chưa có trải qua những va chạm, vấp ngã trong cuộc sống nhưng Thành đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để nuôi bò sinh sản, trồng hoa, hồ tiêu trên diện tích đất 1,1ha của gia đình.
Tuy nhiên, những suy nghĩ bồng bột của tuổi trẻ khiến cho Thành phải “nếm” trải sự thất bại ngay trong lần đầu bước chân vào hành trình lập nghiệp. Sau hai năm nuôi bò sinh sản và nhận thấy không mang lại hiệu quả, Thành đã bán bò và chỉ thu được một nửa tiền vốn. Không những vậy, toàn bộ hồ tiêu bị hư hỏng hết do không phù hợp với vùng đất sét “chó ăn đá, gà ăn sỏi” khiến cuộc sống của gia đình Thành một lần nữa rơi vào “vũng lầy” khó khăn.
Dù vậy, thất bại không làm chàng thanh niên 22 tuổi có ý định bỏ cuộc. Ngược lại, Thành luôn xem những thất bại là động lực và không ngừng trăn trở tìm ra những giải pháp để khắc phục, tháo gỡ từng bước. Với quyết tâm phải làm giàu ngay trên mảnh đất của gia đình, Thành đã nhen nhóm trong đầu ý định triển khai mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, vừa cải tạo đất mỗi ngày.
Để thực hiện ý tưởng, Thành dành toàn bộ thời gian rảnh để tìm hiểu kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên mạng internet, sách, báo. Không những thế, chành thanh niên trẻ còn xách balo lên đường, tìm đến các nhà vườn ở các tỉnh miền Tây – nơi có phong trào trồng cây ăn quả theo phương pháp hữu cơ phát triển mạnh để thăm quan, học hỏi kinh nghiệm nhằm tìm kiếm các loại cây phù hợp với vùng đất của gia đình mình.
Năm 2017, sau một thời gian miệt mài, lang thang khắp các tỉnh miền Tây, Thành bàn với gia đình phá bỏ một số diện tích để đưa 100 cây ổi lê, ổi nữ hoàng, 150 cây dừa xiêm, 50 cây vú sữa bơ hồng từ miền Tây về trồng theo phương pháp hữu cơ. “Thời gian đầu, hầu hết người dân địa phương đều cho rằng tôi là thằng khùng, thẳng dở vì làm những việc không giống ai” – Thành nói.
Nghe vậy, Thành chỉ cười cho qua chuyện rồi tiếp tục kiên nhẫn, từng bước thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ của mình. Sau khoảng 6 tháng đưa giống từ miền Tây về trồng, cây ổi bắt đầu ra quả và cho trái quanh năm.
Tuy nhiên, khó khăn không dừng lại đối với chàng trai trẻ như Thành. Thời gian đầu, do không có kinh nghiệm chăm sóc, chăm bón nên ổi sau khi ra quả bị hư hỏng, sâu bệnh rất nhiều. Có đợt, Thành phải vứt bỏ 2-3 tấn ổi bị hư, sâu bệnh. Dù vậy, Thành vẫn không nản lòng hay thay đổi ý định mà tiếp tục tìm đến các nhà vườn, lên mạng để tìm hiểu về đặc tính của cây ổi. Đồng thời, Thành sử dụng các chế phẩm sinh học, ủ phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học hữu cơ để xịt, chăm bón cho cây ổi, kết hợp bao túi cho trái. Mặt khác, cứ một tháng, Thành lại cắt cành một lần để cây ổi phát triển tốt hơn. Ngoài ra, Thành còn chủ động áp dụng biện pháp tưới nước tự động, giúp tiết kiệm nhân công,... Nhờ vậy, tình trạng ổi bị hư hỏng, rám nắng, sâu bệnh ngày càng được khắc phục và mang lại năng xuất cao hơn.
Nhận thấy việc trồng cây ăn quả hữu cơ tốn ít chi phí và tỉ lệ rủi ro thấp nên năm 2018, Thành tiếp tục trồng thêm 500 cây ổi lê, ổi nữ hoàng, 100 cây vú sữa bơ hồng, hơn 100 cây dừa xiêm và nhiều loại cây ăn quả khác. Đồng thời, xây dựng trại cây giống rộng 300m2 để nhập và ươm thêm 60 loại cây giống ăn quả để bán cho người dân địa phương. Quá trình bán cây giống, Thành sẵn sàng tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc cho mọi người.
Đến nay, 400 cây ổi đã giúp Thành thu hoạch khoảng 20 tấn/năm, cây vú sữa bơ hồng sau một năm trồng cũng bắt đầu có trái và hơn 300 cây dừa xiêm đang bắt đầu bước vào thời kỳ kinh doanh. Trại giống cây ăn quả của Thành đã cung cấp cho người dân hơn 30 tỉnh, thành trên cả nước.
Hành trình đưa tôm càng xanh lên đất Tây Nguyên
Không chỉ trồng cây ăn quả hữu cơ, Thành đã đầu tư, đào 6 ao nuôi các loại cá như: rô phi, trắm, chép... bằng đậu nành, bắp, cá tạp. Hàng năm, gia đình Thành đã thu hoạch và bán khoảng 7 tấn cá các loại. Thành cho hay: “Từ khi em còn rất nhỏ, gia đình đã đào ao thả cá nhưng không quản lý, chăm sóc tốt nên nguồn thu chẳng đáng bao nhiêu. Do đó, khi bắt tay vào làm, ngoài việc đầu tư, tôi đều lên kế hoạch cụ thể, kỹ lưỡng, đặc biệt tự trao dồi, tìm hiểu kinh nghiệm để nuôi cá hữu cơ một cách có hiệu quả nhất, tránh thất thoát về kinh tế”.
Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, trong những chuyến lang thang khắp các tỉnh miền Tây để học tập làm nông nghiệp hữu cơ, Thành bị lôi cuốn bởi mô hình nuôi tôm càng xanh ở miền sông nước. Do đó, đi đâu, gặp ai nuôi tôm càng xanh, Thành cũng đều dừng lại để học hỏi từ cách ươm giống, chăm sóc, nuôi giống tôm này.
Không để ý tưởng nằm mãi trong ý nghĩ, năm 2017, Thành quyết định bỏ 12 triệu đồng mua giống tôm càng xanh về nuôi hữu cơ. Tuy nhiên, do không có kỹ thuật, tôm bị sốc nước và chết không còn một con. Mất trắng nguồn vốn đầu tư ban đầu, Thành vẫn không nản chí và xem đó là bài học kinh nghiệm để cố gắng hơn. Năm 2018, Thành tiếp tục dùng 12 triệu đồng để đầu tư nuôi tôm càng xanh nhưng tỉ lệ sống không đủ phục vụ nhu cầu của gia đình. Năm 2019, Thành lại khăn gói về miền Tây mua hơn 60.000 con tôm càng xanh giống về nuôi và sống được khoảng hơn 2.000 con.
Tỉ lệ sống của tôm ngày càng tăng đã giúp Thành có thêm động lực tiếp tục thực hiện kế hoạch đã đặt ra. Năm 2020, Thành đầu tư mua gần 100.000 con tôm càng xanh giống, với số tiền 40 triệu đồng về nuôi và tỉ lệ sống được khoảng 10%. Đây cũng là năm đầu tiên anh thu hoạch được 6 tạ tôm càng xanh, bán với giá 400-450.000 đồng/kg, tổng thu khoảng 400-450 triệu đồng, trong đó thu lợi khoảng 50-60%.
Theo Thành, khó khăn nhất trong việc nuôi tôm càng xanh là giai đoạn ươm con giống. Khi mới đưa giống về, tôm dễ bị sốc nước chết. Vì vậy, để khắc phục, Thành không ngừng tìm hiểu để nắm rõ tập quán sinh sống, chọn con giống rõ nguồn gốc, không bị nhiễm bệnh, kích cỡ đồng đều. Bên cạnh đó, thành còn học kỹ thuật cho ăn, dùng men để ủ thức ăn và thả tôm với mật độ thưa. Mặt khác, mua máy đo PH, NO2, NO3, oxi nhằm duy trì, quản lý nguồn nước để cá, tôm được phát triển tốt hơn...
Ngoài ra, từ tháng 9/2019 đến nay, trước nhu cầu thưởng thức ẩm thực hữu cơ của khách thăm quan, Thành đã làm 2 nhà chòi, 1 nhà dài bằng gỗ và lá dừa để phục vụ nhu cầu du lịch miệt vườn kết hợp với nông nghiệp hữu cơ. Chỉ tính riêng Tết Nguyên đán 2021, mô hình nông nghiệp hữu cơ của anh đã đón khoảng 2.000 khách du lịch đến thăm quan, thưởng thức ẩm thực tại chỗ. Với nguồn thu nhập tích góp được mỗi ngày, Thành đều dành dụm để đầu tư, mở rộng diện tích sản xuất của gia đình.
Với mô hình trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ, phục vụ du lịch miệt vườn trên diện tích 3ha, dù đang trong giai đoạn đầu tư nhưng năm 2020 gia đình anh Thành đã thu nhập từ 700-750 triệu đồng, trong đó lợi nhuận khoảng 40-50%.
Ông Nguyễn Minh Quý, Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên huyện Cư M’gar cho biết: “Trong những năm qua, với phong trào tuổi trẻ lập nghiệp, khởi nghiệp của huyện đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, đã xuất hiện nhiều gương thanh niên làm tốt việc phát triển kinh tế, tiêu biểu là anh Nguyễn Đức Thành.
Với mô hình hữu cơ các loại cây ăn trái, chăn nuôi cá, tôm càng xanh trên đất Tây Nguyên, anh Thành đã có những cách làm hay, hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Song song với việc phát triển kinh tế cho gia đình, anh Thành còn chủ động chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhiều cá nhân, tổ chức. Theo đó, thường xuyên có các đoàn thanh niên, các đơn vị quan tâm đến nông nghiệp hữu cơ đến mô hình của anh Thành để thăm quan, học tập. Bên cạnh đó, đối với các hoạt động xã hội, công tác phong trào của tổ chức đoàn, anh Thành rất nhiệt tình, năng nổ”.
Khánh Ngọc