Hình ảnh thu được từ vệ tinh Sentinel-5P của Ủy ban Không gian châu Âu có thể thấy rõ lượng khí SO2- một loại khí gây hại đối với môi trường và sức khỏe con người – bị tích tụ dày đặc trong không khí quanh khu vực từng xảy ra vụ mắc cạn.
Theo lý giải của các nhà khoa học châu Âu, khi tàu Ever Given bị mắc cạn, hàng trăm con tàu khác sẽ buộc phải dừng đỗ lại. Về nguyên lý, hầu hết các tàu khi neo đậu, các động cơ chính đều ngưng hoạt động song các thiết bị phụ của tàu đều vẫn hoạt động theo chế độ “hoạt động neo đậu”. Điều này dẫn đến việc một lượng lớn khí SO2 – sản phẩm phụ của quá trình đốt cháy nhiên liệu – bị tích tụ trong không khí dày đặc gấp 5 lần so với mức bình thường tại khu vực Địa Trung Hải gần khu vực kênh đào Suez.
Ước tính hơn 350 tàu thuyền đã bị mắc kẹt sau sự cố mắc kẹt tại kênh đào Suez trong khoảng thời gian từ ngày 23 đến ngày 29/3 vừa qua. Vụ việc đã khiến giao thương hàng hóa giữa châu Á và châu Âu thiệt hại 9,6 tỷ USD/ngày./.
Hồng Nhung
VOV