Việc nhóm tàu tác chiến sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Dwight D. Eisenhower bị mắc kẹt ở Địa Trung Hải, không thể đi qua kênh đào Suez để vào Biển Đỏ, sau đó xuyên qua eo biển Hormuz tiến vào vịnh Persian để răn đe Iran theo kế hoạch rõ ràng là một sự cố lớn đối với người Mỹ. Cùng thời điểm, Mỹ đã rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi không có một tàu sân bay nào có thể thực thi nhiệm vụ chiến đấu ở khu vực Trung Đông.
Trong khi đó, Iran thì vừa ký hiệp định hợp tác 25 năm với Trung Quốc ngày 27-3, nâng quan hệ hai nước lên tầm đối tác toàn diện. Bên cạnh đó, có thông tin cho rằng Nga đã quyết định xây dựng căn cứ tiếp tế ở gần vùng biển Sudan.
Sudan và Ai Cập tiếp giáp nhau, gần Biển Đỏ, rõ ràng là huyết mạch giao thông trên biển này là nhân tố không thể tách rời trong cuộc đọ sức nước lớn. Điều này là một yếu tố khiến cho người Mỹ không thể không xem xét đối với các hoạt động lưu thông qua kênh đào Suez.
Vụ mắc kẹt của siêu tàu Ever Given khiến người ta nhìn lại ý nghĩa chiến lược địa chính trị của kênh đào này. |
Nhìn về lịch sử, tầm quan trọng của kênh đào Suez được thể hiện rõ nét trong chiến tranh Ai Cập - Israel lần 2 vào năm 1958. Mặc dù xung đột diễn ra ở Ai Cập nhưng lại là sự kiện điển hình của một cuộc cạnh tranh nước lớn.
Khi đó, để tranh giành quyền kiểm soát kênh đào Suez, Anh và Pháp đã phối hợp với Israel phát động chiến tranh xâm lược Ai Cập. Mỹ đã phát huy vai trò cân bằng vô cùng quan trọng trong suốt cuộc khủng hoảng và Tổng thống Mỹ khi đó là Dwight D. Eisenhower đã áp dụng chính sách giải quyết khủng hoảng bằng phương thức hòa bình, có những đóng góp quan trọng cho việc chấm dứt xung đột, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
65 năm sau, tàu sân bay mang tên Dwight D. Eisenhower lại gặp cuộc khủng hoảng ngay chính tại Suez và đây có thể nói là một sự trùng hợp của lịch sử.
Sau khi siêu tàu Ever Given bị mắc kẹt ở kênh đào Suez, truyền thông thế giới đã có những bình luận đáng chú ý. Tờ Wirtschaftswoche của Đức đã nhắc lại giai đoạn lịch sử này và nhấn mạnh “mặc dù thời đại đã thay đổi nhưng tầm quan trọng của kênh đào vẫn còn nguyên giá trị”.
Còn Bloomberg thì cho rằng vị trí yết hầu vận tải đường biển của kênh đào Suez rất dễ bị tấn công trong các cuộc xung đột quốc tế, một khi bị phong tỏa hoặc cắt đứt sẽ khiến nhiều nền kinh tế bị tê liệt. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, cuộc khủng hoảng kẹt tàu ở kênh đào Suez có thể khiến mọi người nếm trải mùi vị của cái gọi là “Chiến tranh Lạnh mới”.
Tạp chí Foreign Affairs của Mỹ nhấn mạnh có một lý do khác khiến kênh đào Suez quan trọng đối với Mỹ, đó là do nó kết nối chặt chẽ giữa Mỹ và Ai Cập. Tờ New York Times lại cho rằng khi Mỹ tìm kiếm lợi ích an ninh quốc gia ở khu vực Trung Đông, Ai Cập sẽ cung cấp một số hỗ trợ mà thế giới bên ngoài khó nhìn thấy. Đơn cử như việc tàu chiến Mỹ có thể được ưu tiên đi qua kênh đào Suez khi gặp khủng hoảng. Nếu không có sự hợp tác của Ai Cập, nhiệm vụ quân sự của quân đội Mỹ sẽ gặp không ít trở ngại.
Trong bộ phim tài liệu “Tàu sân bay tham chiến: Lực lượng tấn công vịnh Persian” được phát lại trên kênh truyền hình Smithsonian gần đây đã giới thiệu chi tiết hành trình của tàu sân bay USS George H. V. Bush từ Địa Trung Hải đi qua kênh đào Suez đến vịnh Persian để hỗ trợ lực lượng mặt đất tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) vào tháng 4-2017.
Hành trình này thực sự không đơn giản: Tàu sân bay đồ sộ chỉ có thể di chuyển với tốc độ chậm trên kênh đào, hơn nữa phải tuân theo hoa tiêu dẫn đường của Ai Cập, đồng thời phải đi theo thời gian biểu quy định. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian mà nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đi qua kênh đào phải mất ít nhất 16 tiếng.
Ngoài ra, do hai bên kênh đào đều là sa mạc, cách tàu sân bay chỉ khoảng 100 đến 200 mét, rất dễ bị tấn công bởi các tay súng bắn tỉa được trang bị tên lửa cầm tay nên nhóm tàu tác chiến còn cần đến sự bảo vệ của quân đội Ai Cập để đảm bảo an toàn dọc hành trình di chuyển. Đây là những lợi ích mà tàu chiến của các nước khác không thể có được.
Những năm gần đây, Mỹ vẫn có sức ảnh hưởng lớn đối với Ai Cập và Ai Cập luôn là nước hưởng lợi lớn thứ hai từ viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ, chỉ đứng sau Israel trong khu vực. Hiện tại, có phân tích cho rằng lợi ích kinh tế và chính trị ở Trung Đông hiện nay chủ yếu là do các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các nước Trung Đông, Nga và Mỹ chia nhau. Lưu lượng giao thông của kênh đào Suez và các hoạt động khai thác dầu khí của khu vực này ngày càng tăng sẽ khiến cho tình hình thêm phức tạp, đặc biệt là trong bối cảnh các nước lớn đều tập trung tăng cường sức mạnh hải quân.
Một chính sách chuyển hướng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nước Mỹ sẽ là cơ hội cực lớn cho các nước như Nga hay Trung Quốc tìm cách lấp vào chỗ trống của Mỹ ở Trung Đông. Cuộc đọ sức nước lớn ở khu vực Trung Đông nói chung và kênh đào Suez, vì thế, sẽ còn nhiều kịch tính.
Ngọc Lan (Tổng hợp)