Cuộc chạm trán tranh ngôi vô địch này sẽ là cuộc đấu giữa hai lối chơi thực dụng và nghệ sĩ.
Lối đá nghệ sĩ của Học viện NutiFood (trái) có thắng nổi đương kim vô địch PVF xù xì và thực dụng. Ảnh: CTV
Nhìn các học trò của thầy Giôm (HLV Graechen Guillaume) của HV NutiFood thể hiện, đôi lúc người xem có cảm giác như lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn, Xuân Trường, Văn Thanh… vào những năm 2013, 2014 đá các giải trẻ quốc tế. Đó là lối chơi ban, bật, di chuyển linh hoạt dựa trên những cá nhân có kỹ thuật khéo léo như kiểu Quốc Việt, Kỳ Anh (con trai cựu tuyển thủ Trần Duy Quang), Quốc Cường... Trong khi đó, PVF chơi xù xì, thực dụng, thậm chí là rắn mặt khi cần thiết của một tập thể giỏi đánh trận.
PVF là nhà đương kim vô địch. Giải năm ngoái tại Hưng Yên, chính họ đã đánh bại HA Gia Lai để lên ngôi. Lần đó, HA Gia Lai còn lứa cầu thủ trẻ rất chất lượng nhưng thua PVF ở tính thực dụng.
Hành trình vào chung kết của cả hai đội đều rất ấn tượng. Nếu như PVF vẫn tiềm ẩn những điều khó lường chưa thể hiện hết thì HV NutiFood càng đá càng lộ ra tất cả mặt mạnh, yếu của mình, nhất là qua trận thắng luân lưu trước SL Nghệ An ở bán kết.
Chắc chắn ban huấn luyện PVF đã phát hiện khi SL Nghệ An chơi nhanh, áp sát và di chuyển liên tục thì HV NutiFood cũng lộ ra điểm yếu và một khi HV NutiFood mất khả năng cầm bóng thì họ đánh mất thế trận.
Ngược lại, PVF có nhiều mảng miếng và nhiều xoay xở trong đấu pháp. Lối chơi của PVF đơn giản, dựa trên sức mạnh tập thể tạo thành một khối vững chắc. Trường hợp PVF không hơn đối thủ trong thời lượng cầm bóng thì họ cũng có thể tạo ưu thế bằng phản công và trau chuốt từng cơ hội để kết liễu đối thủ.
Mặt khác, nếu như PVF thắng An Giang quá dễ ở bán kết và họ bảo toàn được thể lực cho chung kết thì ngược lại, HV NutiFood mất quá nhiều sức qua trận thắng trong loạt luân lưu trước SL Nghệ An.
Chỉ có một ngày hồi phục thể lực sẽ là thiệt thòi lớn cho HV NutiFood.
Theo dự đoán của chúng tôi, PVF sẽ bảo vệ thành công ngôi vô địch với chiến thắng 2-1.