vĐồng tin tức tài chính 365

Chặn dịch COVID-19 ở biên giới Tây Nam

2021-04-15 09:47

Ngày 14/4, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Campuchia, sáng 14/4, tỉnh làm việc với các địa phương, chỉ đạo tăng cường kiểm dịch, kiểm soát người qua lại biên giới, giám sát trọng điểm, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ.

Về công tác tuần tra kiểm soát, Đại tá Nguyễn Văn Minh, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Đồng Tháp, cho biết, lực lượng đang tăng cường làm nhiệm vụ 24/24h trên biên giới; triển khai 21 tổ, chốt cố định và 30 tổ lưu động với quyết tâm không để người nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào nước ta. Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà tập trung kiểm soát trên sông, vận động những hộ đã sang Campuchia thuê đất sản xuất thì trả lại hoặc cho người bên đó thuê lại, tuyệt đối không để họ qua lại biên giới nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

 Chặn dịch COVID-19 ở biên giới Tây Nam  - Ảnh 1.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng dân quân tự vệ tỉnh Kiên Giang tuần tra trên các kênh, rạch lối mở dọc tuyến biên giới

Thời gian tới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang tiếp tục tăng cường cán bộ, chiến sĩ tham gia chốt chặn ở những vị trí trọng điểm, kiên quyết không để xảy ra tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, buôn lậu. Đại tá Nguyễn Thượng Lễ, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh An Giang, nói: “Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã coi công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách hàng đầu. Chúng tôi đã triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, không để dịch bệnh xâm nhập qua biên giới, mà mấu chốt ở đây là phải làm sao phát hiện, ngăn chặn, phòng, chống các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới kịp thời, hiệu quả”.

Duy trì quân số bám chốt

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi có dịp tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ tổ liên ngành tuần tra, kiểm soát dọc tuyến biên giới Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Nắng cháy da, có lúc nóng 40 độ C, nhưng không lúc nào các anh dừng sải bước, dừng đảo mắt kiểm soát dọc tuyến biên giới. Lực lượng dựng tạm các chốt bằng khung tiền chế.

Chốt lớn thì vừa đủ để anh em sinh hoạt, còn chốt nhỏ thì phải chia sẻ từng khoảng trống để nghỉ ngơi. Cách đường biên giới vài trăm mét, chốt phòng chống dịch số 5 - Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên nằm giữa cánh đồng rộng lớn dưới cái nắng thiêu đốt. Tận dụng cây, lá khu vực xung quanh, các chiến sĩ dựng căn nhà nhỏ lợp lá bên chốt để vừa giảm nhiệt, vừa tạo thêm khoảng trống để sinh hoạt.

Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, cho biết, đơn vị hiện có 48 chốt, gồm 44 chốt trên bộ, 4 chốt trên biển, cùng với 3 ca nô để tuần tra khép kín vùng biển được phụ trách. Có lực lượng biên phòng, cảnh sát cơ động và dân quân tự vệ tăng cường từ tuyến sau lên.

Trung tá Tùng nói rằng, đơn vị phối hợp phía Campuchia tuyên truyền cho người dân về nước qua đường cửa khẩu (chính ngạch) để được kiểm tra y tế, cách ly theo quy định. Cùng với việc tuần tra kiểm soát, lực lượng biên phòng phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân đang đánh bắt trên vùng biển về tình hình dịch bệnh, thủ đoạn của các đối tượng nhập cảnh trái phép. Hiện nay, tuyến biên giới biển gặp nhiều khó khăn do bắt đầu mùa gió Tây Nam, các phương tiện trên biển túc trực 24/24h gặp nhiều bất lợi.

Trong khi đó, Thiếu tá Trần Thanh Phong, Phó Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, cho biết, qua hơn một tháng tăng cường thực hiện nhiệm vụ ở biên giới, 100% cán bộ, chiến sĩ dân quân vẫn duy trì quân số bám chốt, bám địa bàn. “Chúng tôi luôn giữ vững tinh thần, ý chí, quyết tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong cuộc chiến không tiếng súng này”, Thiếu tá Phong nói.

Thưởng "nóng"

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn biên giới, ông Lê Quốc Anh, Bí thư, Chủ tịch UBND TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, phát động phong trào toàn dân tham gia cung cấp thông tin, tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép. Nếu cung cấp cho cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương thông tin chính xác về đối tượng nhập cảnh trái phép thì cá nhân, tổ chức sẽ được thưởng đột xuất 500.000 đồng/lần. Trường hợp phát hiện nhiều lần hoặc một lần nhiều đối tượng hoặc phát hiện cả chủ phương tiện vận chuyển và đối tượng nhập cảnh sẽ được đề xuất mức thưởng cao hơn.

Tuần tra trên bờ, dưới sông

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, bà Trần Tuệ Hiền, cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Campuchia, UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát các cửa khẩu, lối mòn, lối mở. “Hiện Campuchia xuất hiện nhiều ổ dịch, người dân có dấu hiệu rời nước này để vào Việt Nam nhưng lại sợ bị cách ly nên đi lối mòn. Mặt khác, người nhập cảnh trái phép từ nơi khác nhưng lại lấy Bình Phước để di chuyển qua Campuchia bằng lối mòn.

Do đó, các lực lượng thực thi nhiệm vụ thường xuyên tuần tra trên bờ và dưới sông suối nhằm phát hiện và xử lý kịp thời việc xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới”, bà Hiền nói. Theo Thiếu tá Cao Hoài Sơn, Đồn biên phòng Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, người nhập cảnh trái phép thường chọn đường mòn, lối mở, những nơi hiểm trở để đi. Vì vậy, lực lượng tuần tra biên giới vừa phải đi trên bờ vừa phải đi dưới sông, suối bằng bè kết từ cây lồ ô.

Ông Quách Ái Đức, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước, cho hay, đến thời điểm này, trên địa bàn chưa phát hiện trường hợp nào mắc COVID-19, nhưng tất cả các lực lượng đều trong tư thế sẵn sàng ứng phó. Nhân viên y tế được bố trí tại các cửa khẩu, điểm chốt. Ngoài ra, đội phản ứng nhanh sẵn sàng xử lý khẩn cấp trong trường hợp có ca nghi nhiễm.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Phước cho biết, địa phương triển khai 62 tổ chốt cố định, 11 tổ cơ động kiểm soát dịch bệnh. Năm 2020, lực lượng chức năng Bình Phước phát hiện 59 vụ nhập cảnh trái phép. Quý I/2021, Bình Phước phát hiện, đưa đi cách ly hơn 10 trường hợp nhập cảnh trái phép, chủ yếu là người Trung Quốc từ các tỉnh miền Bắc đi xe vào Bình Phước để qua Campuchia.

Tây Ninh có 240km đường biên giới với Campuchia, giáp các tỉnh Svay Rieng, Tboung Khmun, Prey Veng. Ngoài ba cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam còn nhiều cửa khẩu phụ, đường tiểu ngạch qua biên giới. Hiện trên toàn tuyến biên giới, ngoài 29 điểm cảnh giới, 16 trạm kiểm soát biên phòng, BĐBP tỉnh Tây Ninh đã phối hợp công an, dân quân các xã biên giới triển khai 123 tổ chốt kiểm soát với 564 thành viên, duy trì 100% quân số trực 24/24h. Tỉnh yêu cầu các địa phương vận động người dân tuyệt đối không đi qua đường mòn, lối mở. Trong giao thương tại khu vực cửa khẩu, việc trao đổi container diễn ra ngay tại khu vực giao hàng và chỉ có thùng hàng được trao đổi, còn tài xế ngồi yên trong cabin…

Campuchia thêm 181 ca mắc COVID-19, có người Việt

Campuchia ngày 14/4 ghi nhận 181 ca mắc COVID-19, hầu hết liên quan một sự cố cộng đồng ngày 20/2, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus từ sự kiện này lên 4.160 và tổng số toàn quốc lên 4.696, trong đó có 4.160 ca nhiễm cộng đồng. Ngày 14/4, tại Campuchia có thêm 2 ca tử vong liên quan COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng vì dịch bệnh này lên 35.

Thái Lan: Ca nhiễm trong ngày tăng kỷ lục

Chính phủ Thái Lan hôm qua ghi nhận 1.335 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Đây là số ca nhiễm hằng ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này hồi đầu năm ngoái. Trước đó, ngày 13/4, Thái Lan ghi nhận 965 ca mắc (trừ 9 trường hợp nhập cảnh từ Malaysia, Mỹ, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và Nga, số còn lại đều lây nhiễm trong cộng đồng).

Opas Karnkawinpong, Tổng giám đốc Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh của Thái Lan, nói rằng, hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều liên quan các tụ điểm ăn chơi ban đêm.

Các nhà chức trách ở 43 tỉnh đã áp đặt các hạn chế đối với du khách để không khuyến khích việc đi lại. (Anh Minh)

Người Trung Quốc nhập nội rồi sang Campuchia

Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), nói: “Giai đoạn cuối năm 2020 đến nay có thêm dòng người lao động, lao động công nghệ làm ở các công ty online trên mạng là người Trung Quốc vào Việt Nam bằng mọi cách và xuất cảnh trái phép qua Campuchia”.

Với những vụ việc người lao động Trung Quốc như vậy, các lực lượng chức năng “đang tiến hành đấu tranh bắt giữ, không chỉ trên biên giới mà còn ở các tuyến giao thông khác”, Thiếu tướng Phương cho biết.

Chiều 14/4, nguồn tin từ Bộ tư lệnh BĐBP cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số nước trong khu vực, nhiều biện pháp ngăn ngừa dịch lây lan vào Việt Nam đã được triển khai quyết liệt trên các tuyến biên giới, đặc biệt là phía Tây Nam giáp với Campuchia. Mười tỉnh trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia từ Kon Tum đến Kiên Giang đều có cán bộ tăng cường, đặc biệt các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 7 và Quân khu 9.

Hiện có trên 1.600 tổ, chốt với hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các lực lượng hiệp đồng tham gia phòng chống dịch (trong đó có 7.548 cán bộ, chiến sĩ BĐBP) trên tất cả các tuyến biên giới. Nhằm duy trì lực lượng siết chặt tuyến biên giới Tây Nam, Bộ tư lệnh BĐBP đã điều động 280 quân nhân thuộc các lực lượng biên phòng Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên tăng cường, thay thế cho 292 cán bộ, học viên Học viện Biên phòng và Trường Trung cấp Biên phòng 2 được tăng cường tại các tỉnh Tây Nam.

Tại Campuchia, cơ quan ngoại giao và Hội Việt kiều có nhiều hoạt động hỗ trợ công dân Việt Nam và người Khmer gốc Việt về lương thực, thực phẩm, kinh phí ổn định cuộc sống. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn cho đồng bào có nhu cầu về nước đi theo cửa khẩu, sau đó thực hiện cách ly đúng quy định.

Thiếu tướng Phương cho biết, cuối tháng 3, tại Tây Ninh, Bộ tư lệnh BĐBP tổ chức gặp mặt hẹp 4 lực lượng chức năng của Campuchia, gồm Tổng cục Di trú, Tổng cục Công an thuộc Bộ Nội vụ, Bộ tư lệnh Lục quân và Bộ tư lệnh Hiến binh của Quân đội Hoàng gia Campuchia. “Cuộc gặp có nhiều nội dung, trong đó có việc phối hợp phòng chống dịch COVID-19 giữa các lực lượng để thông tin kịp thời bằng hình thức trao đổi qua điện thoại giữa đồn với đồn, tỉnh với tỉnh và giữa lãnh đạo Bộ tư lệnh BĐBP với chỉ huy các lực lượng của Campuchia để kịp thời giải quyết”, ông Phương nói.

Về việc triển khai tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho lực lượng biên phòng, Thiếu tướng Phương cho biết, trên tuyến biên giới Tây Nam đã tiêm thí điểm ở Tây Ninh và An Giang, đang triển khai cho các tỉnh còn lại. Cố gắng hoàn thành trong tháng 5 việc tiêm tập trung cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên biên giới và phục vụ trong khu cách ly của địa phương. (NGUYỄN MINH)

H.HỘI-N.HUY-K.HÀ-H.CHI-T.CHÂU

Tiền phong

Xem thêm: nhc.33111409051401202-man-yat-ioig-neib-o-91-divoc-hcid-nahc/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chặn dịch COVID-19 ở biên giới Tây Nam”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools