Theo dữ liệu khảo sát doanh nghiệp Trung Quốc, trong số 19.608 công ty có liên quan đến công việc "lấy ráy tai" thì có đến hơn 11.000 công ty đều mới được thành lập trong khoảng năm 2020-2021.
Lý Khải, quản lý của 1 cửa hàng lấy ráy tai tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cho biết, ngành nghề này 2 năm gần đây đang rất hot, trải khắp các lứa tuổi, thậm chí thị trường ở các cửa hàng nhỏ lẻ trên đường phố cũng vô cùng sôi nổi.
Hiệu ứng ASMR*
*ASMR - Autonomous Sensory Meridian Response, tạm dịch là phản ứng cực khoái độc lập. ASMR chỉ cảm giác rùng mình ở đầu hay cổ sau khi tiếp nhận một số kích thích như những âm thanh êm ái hay những đụng chạm lặp đi lặp lại. Nhiều người cho rằng cảm giác rùng mình này rất thư giãn và có phần đê mê. Đôi khi hiệu ứng ASMR được so sánh với một cơn cực khoái.
Vào đầu năm 2020, Tần Mẫn vô tình xem được 1 đoạn clip ngắn trên Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc), trong đó 1 cô gái 9x kể về câu chuyện "khởi nghiệp bằng nghề lấy ráy tai". Theo lời tâm sự, cô gái này đã nghỉ việc y tá để về nhà kinh doanh, thu nhập 30 nghìn tệ (tương đương 105 triệu đồng)/tháng. Tần Mẫn vô cùng tò mò, sau khi xem xong bèn lên mạng tìm kiếm, và từ đó "cánh cửa dẫn đến thế giới mới" đã mở ra với cô.
"Sự thoải mái của ASMR lúc lấy ráy tai mang lại hệt như khi xem mukbang vậy, vô cùng kích thích." - Tần Mẫn nói.
Dịch vụ lấy ráy tai trên đường phố ở thành phố Ân Thi, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc
Nhiều cư dân mạng cũng để lại lời bình dưới những clip lấy ráy tai như: "Tôi cảm thấy thoải mái khi xem clip"; "Chỉ nghe thôi đã buồn ngủ rồi, quả thực rất dễ chịu!"...
Sau khi xem nhiều clip, Tần Mẫn thực sự có ý tưởng trở thành 1 thợ lấy ráy tai chuyên nghiệp, nhưng cô không biết bắt đầu từ đâu. Trong thời gian đó, cô tìm kiếm trên trang web tuyển dụng và thấy rất nhiều cửa hàng lấy ráy tai đang tuyển thạc sĩ.
"Thu nhập khá hấp dẫn, ở thành phố Tô Châu lương cơ bản cũng 6.000 tệ (tương đương 21 triệu đồng), bao ăn ở. Nhưng vấn đề là người ta không tuyển những người thiếu kinh nghiệm, còn muốn học việc thì phải đóng phí." - Cô nói.
Chu Thâm, cô gái sinh năm 1995, sống ở thành phố Tế Nam, Trung Quốc, từng là y tá của 1 bệnh viện, nhưng vì cảm thấy mình không phù hợp với nghề nên cô đã xin nghỉ việc. 1 năm sau, Chu Thâm cũng mở 1 cửa tiệm lấy ráy tai (Ảnh minh họa)
Sau hơn 10 ngày tìm hiểu thị trường, các cơ sở đào tạo đều cho Tần Mẫn 1 câu trả lời tương tự: "Học phí đại khái là như nhau, khoảng 3.800 tệ (tương đương 13,3 triệu đồng), có tặng kèm 1 bộ dụng cụ và chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa học."
Qua tìm hiểu, cô gái đã chọn được 1 cơ sở và bắt đầu theo học nghề. Trong đó, nội dung học không quá phức tạp, bao gồm rửa tai, ngoáy tai, chăm sóc tai giữa… Ngoài ra, có thể tốt nghiệp nhanh nhất là trong 6 ngày, người nào học chậm cũng chỉ tối đa từ 8-10 ngày.
"Khó ở chỗ ban đầu còn chưa quen tay, sợ chạm vào màng nhĩ của khách." - Tần Mẫn chia sẻ.
Cuối cùng cô đã vượt qua kỳ thi sát hạch của cơ sở đào tạo và trở thành thợ lấy ráy tai chuyên nghiệp. Công việc có thu nhập khá, khách cũng đông, với tấm "chứng chỉ lấy ráy tai", sau giờ làm việc cô còn mở sạp ngoài đường để kiếm thêm.
Sau 1 thời gian học nghề, Tần Mẫn đã nhận được chứng chỉ thợ lấy ráy tai chuyên nghiệp (Ảnh minh họa)
"Tôi nhớ lần đầu tiên khai trương, chỉ hơn 3 tiếng đã thu được 195 tệ (tương đương 684 nghìn đồng). Khách hàng nối đuôi nhau xếp hàng đợi đến lượt." - Trích lời kể của Tần Mẫn.
Tuy nhiên, công việc lương cao cũng phải đánh đổi nhiều thứ, chẳng hạn như thời gian làm việc kéo dài.
"Thông thường thì phải đến 23h khác mới vãn. Nếu tiếp tục có khách đến, có khi còn phải làm đến 2h đêm."
Nói về hạn chế của công việc, Tần Mẫn cũng chia sẻ thêm: "Mức lương ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng bởi ngoại hình. Mặc dù không phải cửa hàng nào cũng như vậy, nhưng nếu không có gương mặt thu hút thì lương khởi điểm sẽ không cao, còn nếu là thợ lành nghề thì sau đó mới có cơ hội được tính chuyện tăng lương."
Nguồn gốc của việc "lấy ráy tai"
Để có thể đi tay chính xác và không làm đau khách, các thợ lấy ráy tai cũng phải trải qua quá trình rèn luyện tương đối công phu
Tương truyền, lấy ráy tai xuất hiện lần đầu từ thời Tây Hán ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Vào 2 mùa xuân - thu, uống trà là thói quen phổ biến ở Tứ Xuyên, tục uống trà đi kèm với nhiều hoạt động giải trí như chơi mạt chược, xem tướng số, và lấy ráy tai là 1 trong những "kiểu đánh đố" kinh điển nhất.
Để trở thành 1 "bậc thầy lấy ráy tai" có trình độ không phải dễ, họ phải trải qua 3 bài kiểm tra bao gồm: nhặt bấc nến, bóc vỏ trứng và lấy ruột thuốc lá.
Cái gọi là "nhặt bấc nến" có nghĩa là sau khi thắp nến, lớp bột sáp xung quanh dây nến chảy ra, trong lúc ấy phải lần lượt lấy thìa múc hết sáp trong khi vẫn giữ lửa cháy. Đến cuối cùng nến cháy hết mà vẫn giữ được thân nến "như thuở ban đầu" gọn gàng, đẹp đẽ thì được coi là đạt chuẩn. Đối với những người trong nghề, nến chính là tai người, còn việc lấy sáp nến tương đương với việc giúp khách hàng lấy sạch ráy tai mà không gây đau.
Bộ đồ nghề lấy ráy tai chuyên dụng
Bóc vỏ trứng là sau khi luộc chín trứng, trong quá trình bóc vỏ phải để lại lớp màng mỏng bám trên bề mặt trứng mới được coi là khéo léo. Phương thức ấy giúp kéo giãn và thả lỏng độ mềm của tay.
Cuối cùng đến bước lấy ruột thuốc lá, có nghĩa là dùng nhíp gắp phần lõi thuốc lá ra và đưa trở lại, nhưng không được làm hỏng thân thuốc. Làm như vậy để kiểm tra độ ổn định và chính xác của bàn tay.
Sau khi thành thạo các kỹ năng cơ bản trên, trong quá trình thao tác thực tế, thợ lành nghề thường áp dụng quy trình chuẩn hóa "3 phút ngoáy tai": Đầu tiên, thư giãn cảm xúc của khách hàng; sau đó dùng "miếng ráy tai" móc nhẹ vào tai, nếu ráy tai "cứng đầu" hơn, thì phải đổi dụng cụ khác để lấy ráy tai ra; cuối cùng sử dụng "que lông ngỗng" hoặc "que lông gà" để lọt vào ống tai, lấy sạch vụn ráy tai. Toàn bộ quá trình trên nếu làm thành thục và lấy được lòng khách là đã có thể kiếm được kha khá tiền.
Thu nhập đáng mơ ước
Mô hình công việc lấy ráy tai ngày càng trở nên nổi tiếng và phát triển từ thủ công dân gian lên tầm dịch vụ chuyên nghiệp. Sau đại dịch Covid-19, có rất nhiều người đã phải đổi nghề và xu hướng kiếm tiền mới trên đang rất được ưa chuộng.
Lấy ráy tai ở Trung Quốc được coi là 1 nghề thủ công dân gian và không có tiêu chuẩn đo lường thống nhất. Đối với các cơ sở đào tạo có liên quan, giáo viên của cơ sở đào tạo cũng chỉ đánh giá "tương đối" và sau khi hoàn thành khóa đào tạo sẽ được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học. Nhiều phân tích đã chỉ ra rằng, ngoáy tai thực chất là 1 ngành công nghiệp thu lời rất lớn, các dụng cụ dùng để ngoáy tai cũng được tái sử dụng sau khi khử trùng. Bởi vốn ít lời nhiều nên loại hình kinh doanh lấy ráy tai đang dần trở thành xu hướng mới trong định hướng nghề nghiệp tại Trung Quốc.
Nguồn: 163
Nguyên Dũng TT
Tri thức trẻ