Cẩn trọng với các nhịp tăng ngắn hạn của vàng
Ngọc Lan
(KTSG) - Giá vàng thế giới và trong nước gần đây đã có một số phiên tăng trở lại, từ vùng đáy 1.684 đô la Mỹ/ounce giai đoạn cuối tháng 3 lên tới vùng 1.755 đô la chỉ trong vòng một tuần. Giá vàng thế giới tăng cũng tạo đà cho nhịp tăng của giá vàng trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi, tìm hiểu xu hướng tài sản này trong trung hạn quan trọng hơn là để mắt tới đà tăng trong ngắn hạn.
Đà phục hồi kinh tế ấn tượng có thể là lý do khiến vàng tiếp tục giảm giá trong trung hạn
Đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ trong thời gian qua đã phần nào phản ánh nhu cầu dành cho tài sản an toàn giảm sút đáng kể. Đây là dấu hiệu cho xu hướng giảm giá của giá vàng - một loại tài sản an toàn tương tự TPCP. Kinh tế Mỹ đang chứng kiến sự phục hồi hơn cả kỳ vọng đến từ thị trường việc làm. Tháng 3 vừa qua, nền kinh tế số 1 thế giới đã tạo thêm 916.000 việc làm mới, vượt xa dự báo chỉ 652.000 việc làm, đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6%. Việc làm chủ yếu đến từ lĩnh vực giải trí, y tế, giáo dục và xây dựng.
Kinh tế phục hồi, đi kèm lạm phát kỳ vọng sẽ bùng nổ trong năm nay đã khiến giới đầu tư lo ngại về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm thắt chặt tiền tệ, mà khởi đầu có thể bằng động thái giảm dần quy mô mua trái phiếu. Hay nói cách khác, sau giai đoạn tăng giá trong suốt thời kỳ kinh tế giảm tốc và lãi suất liên tục cắt giảm, vàng có thể trải qua một chu kỳ giảm kéo dài khi kinh tế tăng trưởng trở lại và lãi suất kỳ vọng tăng đi kèm một kỷ nguyên chính sách tiền tệ “diều hâu” (thắt chặt tiền tệ).
Trong một nền kinh tế phục hồi tốt, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các kênh rủi ro cao hơn, nhà đầu tư sẵn sàng mở rộng khẩu vị rủi ro với kỳ vọng lợi tức cao hơn và dĩ nhiên dòng tiền sẽ thoát dần khỏi các tài sản an toàn như Trái phiếu chính phủ hay vàng. |
Tuy Fed vẫn giữ lập trường về việc duy trì lãi suất cận 0% cho tới tận năm 2023 và cam kết gói mua vào trái phiếu đủ lâu để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế, song những dấu hiệu về lạm phát hay dữ liệu kinh tế ấn tượng vẫn khiến giới đầu tư lo lắng về kỷ nguyên thắt chặt tiền tệ sớm bắt đầu. Và nó chính là nguyên nhân có thể đẩy giá vàng tiếp tục đà giảm trong trung hạn dẫu cho Fed vẫn giữ vững chính sách hiện hành.
Bởi vậy, cần phải hết sức thận trọng trước bất kỳ nhịp tăng của giá vàng nào trong thời điểm hiện tại. Thật khó để vàng bước vào một chu kỳ tăng mới khi kinh tế toàn cầu vẫn chứng kiến sự phục hồi vô cùng khởi sắc, đi kèm những chính sách hỗ trợ tổng cầu đến từ cả tài khóa và tiền tệ.
Thời gian tới, thị trường sẽ kỳ vọng thêm về gói tài khóa trị giá hơn 2.000 tỉ đô la về cơ sở hạ tầng của Mỹ. Nếu được thông qua, đây sẽ là cú hích lớn cho tăng trưởng kinh tế Mỹ trong thời gian tới và cũng là đòn “giáng” cho giá vàng trong trung hạn. Trong một nền kinh tế phục hồi tốt, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các kênh rủi ro cao hơn, nhà đầu tư sẵn sàng mở rộng khẩu vị rủi ro với kỳ vọng lợi tức cao hơn và dĩ nhiên dòng tiền sẽ thoát dần khỏi các tài sản an toàn như TPCP hay vàng.
Giá vàng vẫn trong một kênh giá giảm trong trung hạn
Dưới góc độ kỹ thuật, có thể thấy giá vàng vẫn dịch chuyển trong kênh giá giảm, từ vùng đỉnh 2.063 đô la/ounce hồi đầu tháng 8-2020 đến hiện nay chỉ còn hơn 1.733 đô la (số liệu tại ngày 12-4-2021). Trong kênh giá trong biểu đồ, nhìn chung xu hướng giảm là chủ đạo đan xen các nhịp tăng. Tại các nhịp tăng, giá vàng có xu hướng kiểm tra cạnh trên của kênh giá, sau đó quay đầu giảm mạnh, duy chỉ có một giai đoạn giá vàng tăng mạnh, vượt qua cạnh trên của vùng giá, chạm tới vùng kháng cự 1.950 đô la vào đầu tháng 1-2021 và sau đó lại quay về xu hướng giảm.
Đến thời điểm hiện tại, vàng đã có nhịp tăng khi chạm vùng hỗ trợ 1.684 đô la, song vẫn nằm trọn vẹn trong kênh giá giảm trung hạn tại biểu đồ phía trên. Một khi giá vàng chưa thể phá qua cạnh trên của kênh giá này thì các nhà đầu tư vẫn cần thận trọng với bất kỳ một nhịp tăng giá nào. Thật không dễ để vàng bứt khỏi kênh giá giảm khi mà động lực cho loại tài sản này hiện tại là không nhiều, đặc biệt khi kinh tế Mỹ đang chứng kiến đà phục hồi ấn tượng.
Tựu trung, với dữ liệu kinh tế tốt hiện tại, có thể thấy vàng chưa có nhiều dư địa để bước vào một chu kỳ tăng giá mạnh, ngược lại có nhiều yếu tố củng cố cho đà giảm của loại tài sản này nhiều hơn. Đà tăng của lợi suất TPCP Mỹ thời gian tới sẽ tiếp tục là dấu hiệu cho thấy sự tháo chạy khỏi lớp tài sản an toàn và nó luôn là một chỉ báo hàng đầu báo hiệu cho đà giảm giá của vàng sẽ còn tiếp diễn. Vì vậy, thận trọng với nhịp tăng của giá vàng có lẽ là điều cần thiết đối với mọi nhà đầu tư.
Xem thêm: lmth.gnav-auc-nah-nagn-gnat-pihn-cac-iov-gnort-nac/114513/nv.semitnogiaseht.www