Thích ứng với một Covid-19 'khó nhằn', doanh nghiệp Việt chuyển mình theo dòng chảy mới
Lê Hoàng
(KTSG Online) - Để một doanh nghiệp vượt qua được những rào cản, thực trạng khó khăn thì nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải có bản lĩnh, ý chí và đặc biệt phải tạo ra một môi trường lành mạnh để doanh nghiệp được phát triển.
Đại diện các doanh nghiệp, diễn giả thảo luận và chia sẻ về cách xoay chuyển, ứng biến giữa khủng hoảng khó khăn tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Hòa |
Đây là những thông tin được ghi nhận tại sự kiện Diễn đàn với chủ đề “Lãnh đạo tạo đột phá - Ứng biến để vươn mình” nhằm định hình, nâng tầm năng lực lãnh đạo cho các doanh nhân trước những biến động của môi trường kinh doanh. Sự kiện do Hội Nữ doanh nhân TPHCM (HAWEE) tổ chức vào chiều 14-4 tại TPHCM.
Năm 2020, dịch Covid-19 và chuỗi thiên tai liên tiếp đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Các biến động do dịch Covid-19 tựa như hiệu ứng domino đã dẫn đến sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu, làm gián đoạn hoạt động của vô số ngành dịch vụ và tất nhiên sự sống còn của nhiều doanh nghiệp đặt trước thách thức to lớn. Vấn đề cấp thiết đặt ra lúc này là: Ứng biến hay là chết?
Do đó, làm sao để nhân rộng mô hình nâng cao năng lực lãnh đạo ứng biến, làm sao để phát huy tinh thần cùng nhau đương đầu trước thách thức để không chỉ cùng “sống còn” mà còn vươn mình phát triển được các doanh nghiệp, chuyên gia thảo luận tại diễn đàn với khoảng 650 doanh nhân và các cán bộ quản lý của các doanh nghiệp tham dự.
Covid-19 khó nhằn cũng giúp tôi luyện bản lĩnh ứng biến
Có thể nói Việt Nam là quốc gia may mắn khi đã rất thành công trong việc kiểm soát đại dịch và duy trì các hoạt động kinh tế-xã hội hiệu quả giữa đại dịch. Đất nước với dân số gần 100 triệu người này cũng là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng GDP dương năm 2020, và sẽ nằm trong tốp ba quốc gia có mức tăng trưởng GDP cao trong năm 2021 theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong khu vực ASEAN.
Dù cơn bão đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 100.000 doanh nghiệp Việt phải tạm dừng hoạt động và rời thị trường trong năm vừa qua, nhưng kết quả nói trên có thể nói các doanh nghiệp trong nước thực sự năng động và có khả năng thích nghi và ứng biến tốt trước biến động chung của thế giới. Khó khăn và thách thức phần nào đó đã giúp tôi luyện cho doanh nghiệp Việt ngày càng được nâng tầm.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HAWEE và là Chủ tịch HĐQT Công ty PNJ, cho rằng: "Nếu như đầu năm 2020, chúng ta còn trong tình trạng bỡ ngỡ, chưa phản ứng kịp thời trước những thay đổi quá bất ngờ và sức tàn phá của Covid-19 theo một qui mô sâu rộng như vậy, thì đến cuối năm 2020 và bước sang năm 2021, Việt Nam đã thực sự bước vào giai đoạn thích nghi, thích ứng và chuyển mình theo dòng chảy mới".
Với sự tồn tại, phát triển và ngày càng lớn mạnh của hàng loạt doanh nghiệp trong nước, bà Tiêu Yến Trinh – CEO TalentNet, Phó chủ tịch HAWEE – hy vọng trong ba năm tới đây các chủ doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam nào biết tập trung vào các mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo, phát triển nội lực trong tổ chức thì sẽ có nhiều cơ hội đón đầu xu hướng phát triển mới, dẫn dắt tổ chức của mình vượt qua các thách thức để tồn tại.
Các doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ, nêu ý kiến tại diễn đàn. Ảnh: Quốc Hùng. |
Từ thực tiễn của doanh nghiệp mình, các diễn giả là nhà lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trong nước dự sự kiện đã chia sẻ những tình huống khó khăn mà doanh nghiệp của họ đã trải qua và cách họ đã ứng biến như thế nào với từng trường hợp cụ thể đó. Nhờ có những sự chuẩn bị, khả năng ứng biến nhanh nhẹn và phù hợp trong tình hình vô cùng khó khăn, họ đã tạo ra sự đột phá cho doanh nghiệp của mình, theo những góc nhìn đa chiều, đa ngành, quy mô khác nhau.
Bài học đáng giá
Có thể là cách tái cơ cấu của Uniliver, hay cách xây dựng nhà máy tự động hóa, tinh gọn, ứng dụng công nghệ vào sản xuất của gốm sứ Minh Long, hoặc về hệ sinh thái quản trị của chuỗi doanh nghiệp khởi nghiệp từ tập đoàn đa ngành Seedcom… Chính những câu chuyện sống động của các diễn giả, người nghe là các nhà lãnh đạo hay đại diện doanh nghiệp cũng được truyền cảm hứng và có thể đúc kết ra những bài học bổ ích, giúp phát huy tiềm lực lãnh đạo và định hướng chiến lược, quản trị, định hình văn hóa doanh nghiệp của họ trong tương lai.
Từng trải qua hai lần chuyển đổi, từ một công ty chuyên sản xuất thiết bị, vật liệu điện đến nay Alphanam đã trở thành tập đoàn đa ngành lớn mạnh tại Việt Nam, sở hữu 40 công ty cũng đã chia sẻ về ài học ứng biến của doanh nghiệp mình vẫn còn nguyên giá trị.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam, việc ứng biến của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. "Chủ động làm thể nào vượt qua được những thách thức, vượt qua những rào cản, thậm chí vượt qua những thực trạng để chúng ta vươn lên, đòi hỏi cần phải có bản lĩnh, ý chí và đặc biệt phải có môi trường để phát triển”, ông Hải nói.
Trong khi đó, ông Bruce Delteil từ McKinsey Việt Nam cũng chia sẻ với các doanh nhân Việt về mô hình lãnh đạo ứng biến trong xu hướng toàn cầu, cách các doanh nghiệp thế giới điều chỉnh từ mô hình quản trị truyền thống chuyển qua quản trị linh hoạt, cung cấp cái nhìn bao quát thì các nhà quản lý còn lại đều đã có những ứng biến phù hợp, tạo đột phá cho doanh nghiệp của họ trong tình hình vô cùng khó khăn, mang đến những góc nhìn đa chiều, đa ngành, quy mô khác nhau.