Tại nhiều địa phương, chất lượng thực thi năng lực cạnh tranh tại cấp huyện thị và sở ngành vẫn là một điểm nghẽn lớn.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh 2020 cho thấy, tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh được đánh giá tích cực.
Năm 2020, có 81% doanh nghiệp được khảo sát đồng ý với nhận định “UBND tỉnh, thành phố linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân”, vượt qua mức cao nhất năm 2019.
Tuy nhiên, theo TS Vũ Tiến Lộc, bên cạnh những lĩnh vực có nhiều tiến bộ, hoạt động cải cách cần được chú trọng hơn ở một số lĩnh vực còn nhiều phiền hà như đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội…
"Doanh nghiệp kỳ vọng chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch và trách nhiệm giải trình” – TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI - nhấn mạnh.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả, hiệu lực thực thi tại địa phương cần được đẩy mạnh. Mặc dù môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có chuyển biến tích cực trong thời gian vừa qua nhưng chất lượng thực thi cấp huyện thị và sở ngành vẫn là một điểm nghẽn lớn, khi vẫn có tới 73,5% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành”.
Tương tự, 60% doanh nghiệp cho biết “lãnh đạo tỉnh có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện”.
Khảo sát của VCCI cho thấy, việc tiếp cận văn bản quy hoạch ở cấp tỉnh vẫn xung quanh mức 2,5 điểm và văn bản pháp lý lần lượt chỉ ở mức 2,54 điểm và 3,03 điểm trên thang điểm 5 (1 điểm: Không thể; 5 điểm: Rất dễ - PV), chưa có cải thiện đáng kể so với những năm trước đó.
Chất lượng thông tin trên website chính quyền các tỉnh năm 2020 cũng chỉ ở mức 34,5 điểm trên thang điểm 50; vẫn còn 57,4% doanh nghiệp trong năm 2020 phản ánh cần có mối quan hệ với cán bộ cơ quan chính quyền để có được các tài liệu của địa phương.
Doanh nghiệp gặp khó khăn nhất khi tiếp cận các loại thông tin như: Bản đồ, quy hoạch sử dụng đất (51%), kế hoạch đầu tư công (50%), tài liệu ngân sách (48%), quy hoạch ngành, lĩnh vực (47%), kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới (45%), chính sách ưu đãi đầu tư (40%)...
Kết quả điều tra PCI cũng cho thấy, cứ trong 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp cho rằng địa phương ưu ái các doanh nghiệp Nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân.
Cứ trong 3 doanh nghiệp thì có gần 1 doanh nghiệp cho rằng chính quyền còn ưu ái cho doanh nghiệp FDI. Gần 45% doanh nghiệp cho biết họ phải trả các chi phí không chính thức. 54% doanh nghiệp cho biết vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu;
20% doanh nghiệp đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện và cũng còn tới 3% doanh nghiệp phản ánh mỗi năm họ còn bị thanh, kiểm tra quá 5 lần...
Xem thêm: odl.230998-hnagn-os-pac-o-nehgn-gnoul-tahc-hnit-pac-hnart-hnac-cul-gnan/et-hnik/nv.gnodoal