Các bể chứa nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản - Ảnh: REUTERS
Sau khi được công bố vào ngày 13-4, kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima đang gây tranh cãi mạnh mẽ tại khu vực Đông Bắc Á. Nga, quốc gia có đất liền và biển giáp khu vực, cũng bày tỏ quan ngại.
Một cuộc họp giữa các quan chức phụ trách môi trường biển của Hàn Quốc và Trung Quốc đã được tổ chức ngày 14-4 để bàn về vấn đề trên.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15-4 tuyên bố Bắc Kinh chia sẻ quan điểm phản đối của Seoul, đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp Trung Quốc lên tiếng chỉ trích.
Phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 13 và 14-4 tuyên bố Bắc Kinh sẽ "hành động" nếu Nhật tiếp tục với kế hoạch xả thải. "Thái Bình Dương không phải là cống rãnh của Nhật Bản", ông Triệu tỏ ra gay gắt.
Trong một tuyên bố riêng ngày 15-4, Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo kế hoạch xả thải của Nhật Bản có thể đe dọa tới an ninh lương thực các nước trong khu vực. Ông Gao Feng, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh sẽ đánh giá ảnh hưởng của việc Nhật xả thải đối với nguồn thực phẩm và nông sản Trung Quốc.
Trước đó, trong thông cáo phát vào cuối ngày 14-4, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cáo buộc Nhật quyết định xả nước nhiễm phóng xạ ra đại dương mà không thông báo với các nước láng giềng.
"Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ xem xét độc lập các biện pháp khác nhau, bao gồm các giải pháp ngoại giao và pháp lý nếu các phản ứng của Nhật không thỏa đáng", Hãng thông tấn Yonhap trích dẫn thông cáo nêu rõ.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã thể hiện sự quan ngại và nói rõ quan điểm của Seoul khi gặp đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc. Trong một cuộc họp nội các ngày 14-4, ông Moon cũng ra lệnh nghiên cứu khả năng đưa sự việc ra một tòa án quốc tế về biển và đại dương.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima (tên đầy đủ là Fukushima Daiichi) bị hư hỏng sau trận động đất kéo theo sóng thần năm 2011. Thảm họa khiến một số tổ máy của nhà máy bị phá hủy, nước ngầm tràn vào bên trong nhà máy, gặp các vật liệu nhiễm phóng xạ nên bị ô nhiễm.
Để ngăn chặn thảm họa môi trường lan rộng, chính quyền Nhật và công ty điện lực Tokyo quản lý đã gấp rút xây dựng các bể chứa nước ô nhiễm. Các hệ thống lọc và xử lý cũng được huy động để loại bỏ chất phóng xạ nguy hiểm.
Tuy nhiên, trải qua 10 năm, số lượng bể chứa sắp sửa cạn kiệt buộc Nhật phải đi tới quyết định xả nước đã qua xử lý ra biển. Kế hoạch sẽ bắt đầu trong 2 năm tới và dự kiến kéo dài trong vòng 30 năm, với khoảng 1,2 triệu tấn nước được đổ ra Thái Bình Dương.
TTO - Thảm họa xảy ra bất ngờ, phản ứng thông thường sẽ lo đối phó với những gì xảy ra trước mắt. Nhưng người Nhật đã nhìn xa và nhìn sâu hơn thế.