Bữa ăn người Việt đang quá nhiều thịt so với mức khuyến cáo của chuyên gia - Ảnh: T.T
Sáng nay 15-4, Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng đã tổ chức công bố kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc. Cuộc điều tra này tiến hành trong 2 năm 2019-2020, với sự tham gia của 22.400 gia đình tại 25 tỉnh thành đại diện cho 6 vùng sinh thái.
Theo kết quả điều tra, năng lượng trung bình trong khẩu phần người Việt (khảo sát trong nhóm điều tra) là 2023 kcal/người/ngày, tăng nhẹ so với mức năng lượng 1925 kcal/người/ngày năm 2010.
Mức rau quả sử dụng đã tăng từ 190,4 gr rau/người/ngày, 60,9 gr quả/người/ngày năm 2010 lên 231 gr rau và 140,7 gr quả chín năm 2020, tuy nhiên mức này mới đạt 66,4-77,4% so với nhu cầu khuyến nghị của Tháp dinh dưỡng dành cho người trưởng thành.
Trong khi đó mức tiêu thụ thịt tăng rất nhanh, từ 84 gr/người/ngày (mức tiêu thụ bình quân toàn quốc năm 2010) tăng lên 136,4 gr/người/ngày năm 2020, ở khu vực thành thị mức này đạt 155,3 gr/người/ngày.
Mức này là rất cao so với khuyến nghị, theo ông Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, tùy theo loại hình lao động từ nhẹ đến nặng, mỗi người chỉ nên sử dụng 1,2-2,2 gr thịt đỏ/kg thể trọng/ngày, trong đó người 50 kg làm việc văn phòng chỉ nên dùng 60 gr thịt đỏ (thịt lợn, bò, phần thịt đỏ của gia cầm) mỗi ngày.
Ông Tuyên cũng khuyến cáo ăn nhiều thịt đỏ có liên quan tới bệnh ung thư và nhiều bệnh mãn tính khác, trong khi rau quả cần tăng trong khẩu phần lại không tăng nhiều.
Một số kết quả đáng chú ý nữa trong cuộc điều tra này là mức suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi toàn quốc lần đầu tiên xuống dưới 20% (xuống tới mức 19,6%) và đang trên đà đạt mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu. Tuy nhiên vẫn còn chênh lệch giữa các vùng miền giữa nông thôn, miền núi và thành thị.
Ngoài ra, điều tra cũng cho kết quả chiều cao của thanh niên Việt Nam- nhóm 18 tuổi đã đạt 168,1 cm ở nam thanh niên, tăng 3,7 cm so với 2010 và 156,2 cm ở nữ thanh niên, tăng 1,4 cm so với 2010.
Trẻ thừa cân béo phì tăng hơn gấp đôi sau 10 năm
Về dinh dưỡng học đường, đáng lưu ý là tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì đã tăng hơn gấp đôi sau 10 năm, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020, trong đó thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Kiến thức về an toàn thực phẩm của người dân đã cải thiện rõ rệt, 35,8% có kến thức tốt, 55,6% có kiến thức trung bình, chỉ có 8,6% có kiến thức kém.
Việc một thị trưởng Pháp rút thịt ra khỏi thực đơn các trường học đã châm ngòi làn sóng phản đối và tranh cãi tại Pháp.
Xem thêm: mth.23040925151401202-tiht-ueihn-auq-teiv-iougn-na-aub/nv.ertiout