Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, phó trưởng Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, thông tin về tình hình người trẻ phạm pháp hình sự trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: THÁI AN
Hơn 71% người trẻ phạm pháp ở TP.HCM có trình độ học vấn thấp, phần lớn đã bỏ học. Đó là thông tin từ đại diện Công an TP.HCM đưa ra tại tọa đàm 'Thực trạng và giải pháp ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội' ngày 15-4, do báo Thanh Niên tổ chức.
Thông tin tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quang Thông, tổng biên tập báo Thanh Niên, cho hay thời gian gần đây, tại nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng các nhóm thanh thiếu niên hành xử kiểu côn đồ, manh nha hình thành các băng nhóm gây nguy cơ bất ổn xã hội, trong đó có cả một số học sinh tham gia và xảy ra ngay trong môi trường giáo dục…
Theo số liệu của Bộ Công an, từ 2018-2020 cả nước ghi nhận 10.786 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, với 16.583 đối tượng. Trong đó nữ giới chiếm 5%, nam giới chiếm 95%. Riêng năm 2020 cả nước xảy ra 4.262 vụ với 6.588 đối tượng phạm pháp.
Đáng lưu ý, thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, phó trưởng Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, thông tin từ năm 2018 đến hết quý 1-2021, Công an TP ghi nhận 516 vụ phạm pháp hình sự do 884 đối tượng dưới 18 tuổi thực hiện.
Trong đó án giết người 11 vụ, cướp tài sản 47 vụ, hiếp dâm - cưỡng dâm 8 vụ, cố ý gây thương tích 70 vụ, trộm cắp tài sản 125 vụ, cướp giật tài sản 165 vụ, mua bán tàng trữ ma túy 17 vụ… Về độ tuổi, người dưới 14 tuổi chiếm 3,62%, đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là 27,26%, dưới 18 tuổi là 69,12%. Nam giới chiếm hơn 95%.
Phân tích về trình độ văn hóa thì có 3,75% không biết chữ, tiểu học 29,33%, THCS 46,51%, THPT 20,41%. Trong 884 đối tượng phạm pháp có đến 553 đối tượng đã bỏ học (chiếm 71,44%).
Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng cũng báo động một thực trạng trẻ em trộm cắp tài sản là do người lớn xúi giục. Vì trẻ dưới 14 tuổi thì không bị xử lý hình sự về tội danh trộm cắp tài sản, và việc chứng minh người lớn xúi giục để xử lý trách nhiệm rất khó khăn...
Chuyên gia tâm lý tội phạm Đoàn Văn Báu phân tích nguyên nhân và kiến nghị một số giải pháp ngăn chặn người trẻ phạm pháp tại buổi tọa đàm - Ảnh: THÁI AN
Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm, cũng chỉ ra tình trạng gần đây tội phạm càng trẻ hóa, hành vi phạm tội ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân được các chuyên gia tham gia tọa đàm chỉ ra là do cha mẹ vì điều kiện kinh tế, mưu sinh mà ít quan tâm, chia sẻ, giám sát trẻ. Đáng nói là ảnh hưởng tiêu cực từ các phương tiện Internet, mạng xã hội phát triển nhanh.
Trẻ được tiếp cận mạng xã hội, Internet quá nhanh nhưng thiếu chọn lọc, bị sai lệch. Từ môi trường mạng đã xuất hiện các hội nhóm kín, lôi kéo, kích động người trẻ tham gia các hoạt động phạm pháp (gây rối, đánh nhau, đua xe...).
Các chuyên gia về pháp luật, tâm lý, giáo dục, các nhà xã hội học dự tọa đàm chỉ ra thực trạng người trẻ phạm pháp có trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội.
Các chuyên gia cũng nêu ra một số giải pháp để ngăn chặn thực trạng người trẻ vi phạm pháp luật và phạm pháp hình sự. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh, tạo ra môi trường, sân chơi để rèn luyện cho học sinh trưởng thành.
TTO - Tại TP.HCM, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội ngày càng trẻ hóa và có khuynh hướng sử dụng bạo lực, liều lĩnh, vụ lợi; tội phạm cướp giật, trộm cắp ngày càng manh động, nguy hiểm...