Ngày 15/4, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên tòa xét xử vụ án yêu cầu bồi thường oan sai theo luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1961, Dũng nhỏ) và bị đơn là Viện KSND tỉnh Tây Ninh.
Trước phiên tòa, người đại diện cho ông Dũng có đơn xin hoãn phiên tòa để nghiên cứu thêm hồ sơ vụ án. Sau khi xem xét, HĐXX chấp nhận yêu cầu, thời gian mở lại phiên tòa sẽ được ấn định sau.
Ông Dũng là bị hại trong vụ án gia đình 8 người bị oan sai suốt 40 năm tại Tây Ninh mà Dân trí đã có nhiều bài viết phản ánh.
Theo nội dung vụ án, khoảng 23h ngày 26/7/1979, tại một nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh xảy ra một vụ cướp. Chỉ 30 phút sau đó, công an đã bắt được một người đàn ông tình nghi. Từ lời khai nhận của người này, ông Nguyễn Văn Dũng cùng cha, mẹ, chị gái và 4 người khác lần lượt bị bắt đưa về công an huyện để làm việc.
Hơn 4 năm giam cầm nhưng cơ quan điều tra tỉnh Tây Ninh không chứng minh được hành vi phạm tội của bà Thương và gia đình nên quyết định trả tự do cho họ. Tuy vậy, những quyết định về việc đình chỉ vụ án, dù đã có, vẫn không được trao cho bà và các thành viên khác trong gia đình. Ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1958, Dũng lớn) là người duy nhất nhận được quyết định đình chỉ.
Sau khi được được trả tự do, do mặc cảm của bản thân lẫn hoài nghi của xóm giềng, họ đã phiêu bạt xứ khác mưu sinh. Tài sản gắn liền với cuộc sống như nhà cửa, đất đai, ruộng vườn đành bỏ lại.
Có cặp vợ chồng phải ngậm ngùi chia tay vì gia đình người vợ nghi ngờ do lời khai của người chồng mà gia đình họ vướng vòng lao lý. Có người vừa sinh con được 2 tháng và phải mang theo con vào tù…
Thời gian phiêu bạt xứ người mưu sinh nhưng mang trên mình thân phận bị can, các nạn nhân luôn bị người khác khinh miệt, con cái không được tới trường và phải sống trong hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài việc mưu sinh, các nạn nhân miệt mài đi "gõ cửa" cơ quan chức năng với hy vọng trút bỏ được thân phận bị can. Sau nhiều năm gửi đơn thư, đầu năm 2019, Viện KSND tỉnh Tây Ninh tìm thấy quyết định đình chỉ bị can đối với các nạn nhân đã bị "bỏ quên" từ nhiều năm trước.
Do tuổi cao, sức yếu nên ông Nguyễn Thành Nghị (SN 1918, cha của ông Dũng) vẫn phải mang thân phận bị can cho tới khi chết.
Tháng 10/2019, Viện KSND tỉnh Tây Ninh tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với 7 nạn nhân. Niềm vui đoàn tụ không được bao lâu thì ông Chánh lâm bệnh nặng, liên tục phải nhập viện điều trị. Tuổi cao, sức yếu nên ông Chánh cũng qua đời (ngày 6/10/2020) khi chưa nhận được tiền bồi thường.
Giữa tháng 10/2020, Viện KSND tỉnh Tây Ninh trao tiền bồi thường cho 5 nạn nhân bị oan sai mỗi người 1,059 tỷ đồng còn ông Nguyễn Thanh Nghị được bồi thường số tiền 1,051 tỷ đồng.
Riêng ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ) qua nhiều lần thương lượng với Viện KSND tỉnh Tây Ninh nhưng không tìm được tiếng nói chung trong việc bồi thường nên ông khởi kiện ra TAND tỉnh Bình Dương yêu cầu bồi thường số tiền 10,9 tỷ đồng. Trong đó, tổn thất thực tế là hơn 7,2 tỷ đồng, thiệt hại về vật chất gần 1 tỷ đồng cùng nhiều khoản khác.
"Những thiệt hại về sức khỏe, tinh thần, vật chất, tài sản, danh dự, uy tín, nhân phẩm mà tôi đã phải chịu đựng quá lớn trong suốt thời gian dài 40 năm chưa được thực hiện đúng quy định theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành..", ông Dũng nêu trong đơn khởi kiện.
Liên quan tới vụ án này, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) từng khởi kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh và được bồi thường số tiền 615 triệu đồng.
Hồng Lĩnh