Chính phủ Mỹ ngày 15/4 áp một loạt biện pháp trừng phạt lên Nga, bao gồm hạn chế đối với thị trường trái phiếu chính phủ Nga, nhằm đáp trả điều mà Washington cho là Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, tấn công mạng, dọa nạt Ukraine, và những hành vi "chơi xấu" khác.
Theo tin từ Reuters, Chính phủ Mỹ đưa một loạt công ty của Nga vào danh sách đen, trục xuất một số nhà ngoại giao Nga, và cấm các ngân hàng Mỹ mua trái phiếu chính phủ từ Ngân hàng Trung ương, quỹ lợi ích quốc gia và Bộ Tài chính Nga. Ngoài ra, Mỹ cũng cảnh báo sẵn sàng áp thêm lệnh trừng phạt nhưng nói không muốn leo thang căng thẳng.
Bộ Ngoại giao Nga phản ứng mạnh với động thái trên của Mỹ, triệu hồi đại sứ Mỹ để thông báo rằng "một loạt biện pháp trả đũa sẽ sớm được đưa ra". Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cũng nói cuộc gặp thượng đỉnh tiềm năng giữa Tổng thống Vladimir Putin với người đồng cấp Mỹ Joe Biden - theo đề xuất mới đây của ông Biden - có thể gặp trở ngại.
Tất cả những cáo buộc mà Mỹ đưa ra đối với Nga đều bị Nga bác bỏ - gồm cáo buộc về can thiệp vào bầu cử Mỹ, "đạo diễn" tấn công mạng nhằm vào công ty công nghệ SolarWinds của Mỹ để xâm nhập vào hệ thống máy tính của Chính phủ Mỹ, hay sử dụng chất độc thần kinh để đầu độc ông Alexei Navalny - một chính trị gia đối lập ở Nga.
Lệnh trừng phạt được ông Biden đưa ra chỉ hai ngày sau khi ông có cuộc điện đàm với ông Putin vào hôm thứ Ba tuần này. Trong cuộc điện đàm, ông Biden đã trao đổi với ông Putin về nhiều vấn đề, gồm việc lực lượng Nga gia tăng hiện diện ở Crimea và biên giới Nga-Uraine. Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng cũng đề xuất một cuộc gặp thượng đỉnh với ông chủ điện Kremlin tại một nước thứ ba trong vài tháng tới đây.
Theo nhận định của giới chuyên môn, ông Biden đang cố gắng cân bằng giữa một bên là ngăn chặn những gì mà Washington cho là hành vi gây hấn của Nga, với một bên là tránh làm xấu thêm quan hệ Mỹ-Nga và để mở cánh cửa cho một số hợp tác nhất định.
Nhà phân tích Andrew Weiss thuộc Carnegie Endowment for International Peace cho rằng lệnh trừng phạt của Mỹ khó có thể thay đổi "mối quan hệ có mức độ cạnh tranh lớn và thù nghịch" giữa Mỹ và Nga trong ngắn hạn, hay kiềm chế được Nga trong dài hạn.
"Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu những tuyên bố được tính toán rất kỹ lưỡng mà chính quyền ông Biden đưa ra ngày hôm nay có thể dịch chuyển thực sự mối quan hệ Nga-Mỹ", ông Weiss nói. Theo nhà phân tích này, Nga sẵn sàng hợp tác trong một số vấn đề, nhưng khó có khả năng hai bên đạt được điểm chung nào đó trong các vấn đề như Ukraine hay can thiệp bầu cử.
"Tôi không cho là lệnh trừng phạt mới sẽ làm thay đổi căn bản các toan tính của Nga", vị chuyên gia nói thêm. "Rất có thể, Nga sẽ tiếp tục thử thách quyết tâm của Mỹ".
Xem thêm: mth.24904927061401202-tahp-gnurt-nod-taol-gnut-ym-uax-iohc-agn-coub-oac/nv.ymonocenv