Hành lang INSTC (màu đỏ) rút ngắn đáng kể thời gian, chi phí vận tải hàng hóa từ Ấn Độ sang châu Âu so với hành trình như hiện nay (màu xanh) - Ảnh: irandaily.ir
Trả lời phỏng vấn Hãng tin IRNA (Iran) ngày 12-4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết sự cố siêu tàu chở hàng Ever Given mới đây mắc cạn, gây kẹt cứng kênh đào Suez trong 6 ngày cho thấy tầm quan trọng của việc triển khai tuyến Hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam (International North South Transport Corridor - INSTC). Ông hi vọng cuối cùng INSTC sẽ được đưa vào khai thác, làm nền tảng để gây dựng một không gian kinh tế, hậu cần, vận tải thống nhất trải dọc từ bờ biển phía Nam Iran tới các thành phố phía Bắc của Nga.
"Đó là một nhiệm vụ dường như đặc biệt cần kíp ở thời điểm hiện tại, khi vụ mắc kẹt trên kênh Suez vừa qua làm lộ rõ nhu cầu cấp thiết phải có được các tuyến vận tải đường bộ đáng tin cậy", ngoại trưởng Nga nêu quan điểm. Theo ông, Iran và Nga đóng vai trò đầu tàu trong dự án này, bởi phần lớn tuyến hành lang đường bộ chạy qua lãnh thổ hai nước; việc quan trọng nhất của dự án là xây dựng hạ tầng đường bộ hiện đại.
Ý tưởng về INSTC từng được Nga, Ấn Độ, Iran khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2000, sau đó có sự tham gia của nhiều nước Trung Á. Hành lang này hướng đến một mạng lưới đường bộ, đường sắt và đường biển chuyên dùng cho vận tải hàng hóa, hành khách với tổng chiều dài lên đến 7.200km, từ thành phố St Petersburg của Nga tới cảng Mumbai, Ấn Độ. Không chỉ rút ngắn thời gian vận chuyển từ hàng hóa Ấn Độ sang châu Âu so với hành trình qua kênh đào Suez, INSTC còn có thể tiết giảm được khoảng trên 30% chi phí vận tải.