Dù bị xếp vào nhóm tiềm ẩn nhiều rủi ro, các ngân hàng thương mại vẫn ồ ạt triển khai cho vay mua nhà với lãi suất liên tục lập đáy.
Thị trường vay vốn phục vụ mua nhà vào đầu tháng 2.2021 dậy sóng với việc một ngân hàng thương mại cổ phần có hội sở chính trên đường Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) tung ra gói cho vay mua nhà với lãi suất cho vay chỉ từ 5,99%/năm.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng trên thị trường vẫn đang phổ biến trong khoảng 3,5 - 7%/năm tùy kỳ hạn gửi, mức lãi suất cho vay mà ngân hàng nói trên công bố gây rất nhiều bất ngờ.
Đáng chú ý, thống kê thị trường của các tổ chức đầu tư cho thấy, lãi suất cho vay mua nhà thế chấp sổ đỏ (hoặc tài sản hình thành từ vốn vay) cùng thời điểm tại phần lớn các ngân hàng đều đang phổ biến quanh mức 6,5-11,5%/năm.
Như vậy, cho đến tận thời điểm đầu tháng 4.2021, mức lãi suất cho vay 5,99%/năm nói trên có thể được coi là "đáy" lãi suất cho vay thấp nhất trên thị trường.
Tuy nhiên, thị trường tiếp tục gặp bất ngờ khi một ngân hàng thương mại cổ phần khác vừa quyết định chọc thủng mức đáy lãi suất nói trên khi đưa lãi suất cho vay với sản phẩm vay mua nhà xuống chỉ còn 5,9%/năm.
Cụ thể, một ngân hàng có trụ sở chính trên phố Láng Hạ (Hà Nội) vừa quyết định áp dụng mức lãi suất ưu đãi từ nay đến hết 31.12.2021 với kỳ hạn linh hoạt chỉ từ 5,9%/năm trong 3 tháng đầu tiên, 8,1%/năm trong 6 tháng hoặc 8,9%/năm trong 24 tháng đầu tiên.
Ngân hàng này theo đó cho khách hàng có nhu cầu vay mua nhà phố, bất động sản có giấy chủ quyền được vay đến 75% giá trị tài sản đảm bảo và hạn mức giải ngân lên đến 20 tỉ đồng.
Đáng chú ý, các khách hàng còn được ân hạn nợ gốc 12 tháng với những khoản vay có thời hạn tối thiểu 4 năm. Điều này có nghĩa là khách hàng sẽ không phải thanh toán nợ gốc cho ngân hàng trong năm đầu tiên mà chỉ cần thanh toán phần lãi.
Biến động lãi suất và mức lãi suất cho vay hấp dẫn với sản phẩm cho vay bất động sản tại các ngân hàng đang gây ra rất nhiều khó hiểu với thị trường khi đây là lĩnh vực được Ngân hàng Nhà nước xếp vào nhóm tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Cụ thể theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tín dụng bất động sản là một trong lĩnh vực ngành ngân hàng quản lý rất sát sao, chặt chẽ.
Hơn nữa, việc dịch chuyển dòng vốn, thị trường tiền tệ sang thị trường bất động sản hay thị trường khác đều là một trong những nội dung được quán xuyến và quan tâm trong góc độ quản lý điều hành hoạt động của Ngân hàng Nhà nước và thường xuyên kịp thời cảnh báo các tổ chức tín dụng khi có những dấu hiệu của sự không đảm bảo ổn định, cũng như có những dấu hiệu rủi ro trong lĩnh vực đầu tư quá lớn.
Cũng theo ông Tú, đặc biệt đối với các đối tượng kinh doanh bất động sản và đầu cơ bất động sản, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát rất chặt chẽ và hạn chế, kể cả có những chế tài trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, dù bị kiểm soát chặt chẽ, cũng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, thực tế dư nợ cho vay bất động sản đến giữa tháng 3.2021 vẫn đạt mức tăng 2,13%, tức là cao hơn đáng kể tốc độ tăng tín dụng chung toàn ngành là 2,04%.
Xem thêm: odl.431998-man95-gnoux-ahn-aum-yav-ohc-taus-ial-tut-oek-gnah-nagn/et-hnik/nv.gnodoal