Thế nào là tài sản đảm bảo gắn liền với đất, hay cách dùng nhiều tài sản để thế chấp cho một khoản nợ... Những vấn đề còn chưa có sự thống nhất trong các văn bản pháp luật trước, nay đã được quy định cụ thể hơn tại Nghị định 21 của Chính phủ. Hiệp hội Ngân hàng đã có buổi hướng dẫn, phổ biến các điểm mới tới các tổ chức tín dụng trong ngày hôm qua (15/4).
Một điểm mới về giao dịch bảo đảm là giả sử khi anh A thế chấp đất để vay vốn ngân hàng, sau đó, xây nhà để cho thuê. Trong trường hợp vỡ nợ, cả mảnh đất và ngôi nhà sẽ được xử lý như tài sản đảm bảo. Điểm này trước kia chưa được quy định cụ thể nên thường phát sinh tranh chấp.
"Trong quá trình xử lý có rất nhiều vướng mắc, nhưng trong quy định mới, nếu không có thỏa thuận thì ngân hàng sẽ được xử lý tài sản đó và thu hồi nợ", ông Hà Sỹ Vịnh, Phó Trưởng ban Tín dụng, ngân hàng Agribank, cho biết.
(Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Đáng chú ý, Nghị định 21 gỡ "nút thắt" cho phép tổ chức tín dụng được xử lý tài sản đảm bảo trong trường hợp người vay cố tình chây ì không đồng thuận trả nợ.
"Nghị định 21 khẳng định việc xử lý tài sản đảm bảo theo thỏa thuận trong hợp đồng mà không cần có giấy ủy quyền cũng như sự đồng ý của bên bảo đảm, giúp cho các ngân hàng trong thời gian tới đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản đảm bảo và thu hồi được nợ xấu tốt hơn", ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Chương Dương, nhận định.
Các ngân hàng cũng cho biết, việc tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành sẽ giúp các bên thống nhất cách hiểu về các quy định mới, tránh tình trạng cùng một điều khoản, mỗi bên hiểu một kiểu gây vướng mắc cho quá trình thực thi.
VTV.vn - Nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phá sản mà không có tài sản đảm bảo (TSĐB) thì không có nguồn nào để nhà đầu tư thu hồi lại tiền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!