Tại phần tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Sướng yêu cầu VKSND tỉnh Đắk Nông đưa ra giải thích để làm rõ 2 số liệu về số lượng và giá trị của số xăng giả do bị cáo này sản xuất.
Theo bản luận tội mà VKSND tỉnh Đắk Nông công bố, bị cáo Trịnh Sướng đã sản xuất và bán ra thị trường 137 triệu lít xăng giả tương đương với giá trị hàng thật là gần 2.500 tỷ đồng. Hai con số này không có chú thích, lý giải nguồn gốc, căn cứ xác định như thế nào, thời điểm áp dụng đơn giá ra sao nên các luật sư không có cơ sở đối chiếu.
Ngoài ra, luật sư của bị cáo Trịnh Sướng cũng yêu cầu phải làm rõ thêm về số tiền thu lợi bất chính. Vì ban đầu cáo trạng mà VKSND truy tố là 102 tỷ, nhưng trong phần luận tội, con số thu lợi bất chính này lên hơn 106 tỷ.
Luật sư của bị cáo Sướng cũng dẫn lại quy định về hàng giả. Vị này cho rằng chất lượng hàng hóa đạt từ 70% trở xuống mới được xem là hàng giả. Trong khi đó, chất lượng xăng của bị cáo Sướng pha chỉ vi phạm 2 đến 3 chỉ tiêu rất nhỏ trong 19 nhóm tiêu chuẩn của quy chuẩn Việt Nam. Riêng chỉ tiêu RON, chỉ tiêu cơ bản nhất để xác định xăng thì đạt tiêu chuẩn.
"Giữa việc xăng không đạt chất lượng hay xăng kém chất lượng với thuật ngữ xăng giả không hề có sự đồng cấp với nhau. Xăng không đạt chất lượng thì có được coi là xăng giả hay không ?", luật sư của bị cáo Sướng nêu quan điểm.
Đại diện VKSND tỉnh Đắk Nông tranh luận, khái niệm hàng giả đã được Nghị định 185/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định.
Trước bào chữa của luật sư "chất lượng không đạt 70% so với hàng thật thì mới được coi là hàng giả", đại diện VKSND cho rằng, khoản 8, điều 3 của Nghị định 185 đã quy định các yếu tố cấu thành hàng giả.
Đối với trường hợp của Trịnh Sướng, mặt hàng mà bị cáo này sản xuất ra vi phạm quy định "hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên" và "Tên gọi hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký" nên được xác định đây là hàng giả.
Căn cứ xác định khối lượng xăng giả của Trịnh Sướng, đại diện VKSND tỉnh Đắk Nông tranh luận, VKSND tính số lượng xăng giả không dựa trên nguyên tắc 1 lít dung môi bằng 1 lít xăng giả, vì trọng lượng của một số dung môi nặng hơn xăng.
Theo VKSND tỉnh Đắk Nông, đối với dung môi, nếu không bắt quả tang, thu giữ được thì không thể xác định được tỷ lệ dung môi trong 1 lít xăng giả. Trong trường hợp này, theo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, VKS xác định 1 lít dung môi bằng 1 lít xăng giả. Bị cáo Trịnh Sướng phải chịu trách nhiệm đối với số lượng xăng giả là hơn 137 triệu lít, bán ra thị trường hơn 133 triệu lít.
"Căn cứ vào các tài liệu, hồ sơ vụ án và lời khai thì bị cáo cho rằng, sản xuất xăng A95 lời hơn A92. Trong quá trình điều tra, chúng tôi căn cứ vào giá trị xăng thật bán ra trên thị trường thì xác định các bị cáo thu lợi là 800 đồng/lít, tiền thu lợi bất chính của bị cáo là hơn 106 tỷ đồng. Việc cáo trạng truy tố 102 tỷ nhưng đến khi luận tội là 106 tỷ là do… lỗi đánh máy", đại diện VKSND tỉnh Đắk Nông giải thích thêm.
Cũng tại phần tranh luận, bị cáo Trịnh Sướng cũng cho biết, trong quá trình lấy lời khai bị cáo này khai nhận sản xuất xăng A92 thu lợi 400 đồng/lít, xăng A95 thu lợi 800 đồng/ lít. Tuy nhiên, bị cáo mong muốn HĐXX đề nghị VKSND tỉnh Đắk Nông làm rõ, căn cứ nào mà khẳng định, bị cáo sản xuất A95 nhiều hơn A92 và thu lợi bất chính 106 tỷ đồng.
Phiên tòa tiếp tục phần tranh luận đối với các bị cáo khác.
Dương Phong