Các nhà lập pháp và chuyên gia chính sách đối ngoại Philippines đang hối thúc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phải chấm dứt "chính sách cúi mình" trước Bắc Kinh. Các nhân vật này cảnh báo rằng “sự im lặng” của ông đang phát đi tín hiệu sai khi hàng trăm tàu "dân quân biển" Trung Quốc tiếp tục tập trung tại Biển Đông, hãng truyền thông Al-Jazeera ngày 16-4 đưa tin.
Hàng loạt nhân vật Philippines lên tiếng nhưng ông Duterte “giữ im lặng”
Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh ông Duterte nhiều tuần qua vẫn “giữ im lặng”, trong khi một số quan chức Philippines, gồm cả ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng nước này, đã công khai yêu cầu các tàu Trung Quốc ngay lập tức rời khỏi vùng biển tranh chấp.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AP
Trong bài phát biểu tối 15-4, ông Duterte đã không đề cập vấn đề Biển Đông.
Trước đó, người phát ngôn của ông Duterte đã nói rằng vị tổng thống muốn theo đuổi "các sáng kiến ngoại giao" của mình một cách "riêng tư".
Trong một tuyên bố hôm 15-4, Thượng nghị sĩ Leila de Lima cảnh báo rằng Philippines có thể trở thành “một vệ tinh khác của Trung Quốc” nếu ông Duterte và quân đội không đối mặt Trung Quốc.
Theo bà de Lima, bất chấp việc Mỹ bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của Manila ở Biển Đông, “chính sách cúi mình trước Trung Quốc” của ông Duterte có thể gây bất lợi cho Philippines.
Trong gần 70 năm, Philippines đã duy trì một hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ. Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, ông Duterte đã nuôi dưỡng mối quan hệ "thân mật" hơn với Trung Quốc và công khai tỏ thái độ coi thường Washington, thậm chí đe dọa chấm dứt liên minh quân sự Mỹ-Philippines.
Al-Jazeera dẫn lời Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros nói rằng đã đến lúc ông Duterte phải đối mặt với “người bạn thân nhất” của ông là Trung Quốc, vì “sự lừa dối trắng trợn”.
“Trung Quốc thực sự có ý định từ chối bất kỳ biện pháp ngoại giao nào trong việc giải quyết tranh chấp” - bà Hontiveros nhấn mạnh.
Theo cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines - ông Antonio Carpio, nếu ông Duterte không “lên tiếng và bảo vệ chủ quyền của đất nước, Trung Quốc sẽ vẫn không coi trọng lập trường của Philippines”.
“Ông Duterte phải đứng lên”
Trao đổi với đài ABS-CBN, ông Carpio hôm 15-4 chia sẻ: “Ông ấy phải tự mình đứng lên. Bởi vì nếu với các phát ngôn từ cấp dưới của ông Duterte, Trung Quốc sẽ không lắng nghe. Và nếu tổng thống im lặng, thì Trung Quốc sẽ tiếp tục… Trung Quốc sẽ nhìn nhận chúng ta một cách nghiêm túc nếu tổng thống lên tiếng”.
“Các tàu dân quân biển do lực lượng dân quân biển thuộc biên chế của chính phủ Trung Quốc điều khiển. Trên thực tế, lực lượng này được đặt dưới sự chỉ huy của hải quân [Trung Quốc]” - ông Carpio nói thêm.
Lực lượng tuần duyên Philippines theo dõi các tàu của Trung Quốc. Ảnh: LỰC LƯỢNG TUẦN DUYÊN PHILIPPINES
Trong một tuyên bố hôm 15-4, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết ông chia sẻ chung mối quan ngại với cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
“Theo quan điểm của tôi, bà Clinton đã hoàn toàn đúng khi bày tỏ lo ngại rằng Philippines có thể trở thành ‘đối tượng’ của Trung Quốc. Dưới sự chỉ đạo của Ngoại trưởng Teodoro Locsin và Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, cuối cùng chúng ta vẫn phải đứng vững trước sự ngang ngược và bắt nạt của Bắc Kinh” - ông del Rosario cho biết.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với trang tin Rappler, bà Clinton hôm 13-4 đã bày tỏ sự quan ngại rằng Philippines về cơ bản sẽ trở thành “một đối tượng của Trung Quốc thông qua các khoản đầu tư tài chính, thông qua việc mua sức ảnh hưởng, thông qua việc phá hoại các thể chế”.
“Tôi nghĩ rằng có một mối nguy thực sự mà nếu không được kiểm soát, Philippines - bất kể dưới thời lãnh đạo nào - sẽ ngày càng thấy mình không thể hành động mà không có sự chấp thuận của Trung Quốc. Tôi không nghĩ đó là tương lai mà Philippines muốn” - bà Clinton chia sẻ.
Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.
Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.