Đại dịch và sự gián đoạn tại các nhà máy
Dan Rozycki – chủ tịch một công ty kỹ thuật nhỏ, đang lo ngại về tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng như thế với việc bảo dưỡng bê tông. Công ty của ông – Transtec Group (Austin – Texas), bán các máy cảm biến nhỏ được đặt ở nơi bê tông đổ tại các công trường xây dựng, đường cao tốc và cầu. Thiết bị này đo nhiệt độ và gửi dữ liệu để công nhân theo dõi trên máy tính có thể đảm bảo được vật liệu đã đủ cứng.
Giống như nhiều đồ dùng khác của thế giới hiện đại, từ máy tính, ô tô cho đến máy tính tiền và thiết bị nhà bếp, các máy cảm biến này cần đến một vài chất bán dẫn phổ biến. Loại này vốn có giá thành không hề cao nhưng bỗng nhiên trở thành mặt hàng rất khan hiếm.
Rozycki cho biết: "Mỗi tháng, sản phẩm của chúng tôi được sử dụng nhiều hơn, nhưng chúng tôi không thể sản xuất trong vài tháng nữa."
Tình trạng thiếu chất bán dẫn có nguyên nhân do những gián đoạn từ tác động của đại dịch và vấn đề sản xuất tại các nhà máy chip trị giá hàng tỷ USD. Điều này đã gây ra những cú sốc cho toàn bộ nền kinh tế. Những câu hỏi về chip đang gây xôn xao đối với cả các doanh nghiệp và nhà hoạch địch chính sách đang nỗ lực thay đổi sự phụ thuộc của thế giới vào những thành phần siêu nhỏ như thế này.
Hạn chế về nguồn cung chip không phải là một vấn đề mới. Tuy nhiên, những gì từng diễn ra thường liên quan đến các loại chip cụ thể, ví dụ như loại giúp lưu trữ bộ nhớ máy tính hoặc xử lý một lượng lớn dữ liệu. Lần này, khách hàng trên toàn cầu cũng cạnh tranh gay gắt để tìm một loại chip rẻ tiền hơn được sản xuất tại các nhà máy cũ. Nhưng những nhà máy này lại rất khó có thể nâng cấp.
Hiện tại, ở Mỹ, tác động lớn nhất của tình trạng này có thể kể đến việc các nhà máy sản xuất ô tô lớn buộc phải đóng cửa. Tuy nhiên, vấn đề còn ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác, đặc biệt là các hệ thống máy chủ và PC được sử dụng để cung cấp, sử dụng các dịch vụ internet – vốn rất quan trọng trong thời kỳ đại dịch.
Pat Gelsinger – CEO mới của Intel, cho biết: "Mọi khía cạnh của cuộc sống đều được đăng tải lên mạng và mọi khía cạnh đều ‘chạy’ bằng chất bán dẫn."
"Địa ngục trần gian" của các doanh nghiệp khi thiếu chip
"Gã khổng lồ" sản xuất máy tính cá nhân HP cho biết thiếu chất bán dẫn đã khiến công ty không thể đáp ứng nhu cầu máy tính cho đơn đặt hàng của các trường học. Giá chip tăng cao cũng khiến việc cung cấp phần cứng với mức giá phải chăng cho những trường học ít có điều kiện đang trở nên khó khăn hơn.
Công ty của Rozycki lại là một trong số những người may mắn. Họ đã lên kế hoạch trước và có đủ chip để tạo ra khoảng 50.000 thiết bị cảm biến vốn cung cấp mỗi năm cho các khu xây dựng. Tuy nhiên, nhà phân phối của công ty này đã cảnh báo rằng họ sẽ không thể cung cấp thêm cho đến cuối năm 2022.
Các vấn đề về nguồn cung cũng có nhiều mặt tương tự như hoạt động kinh doanh chất bán dẫn. Các nhà sản xuất "biến" tấm silicon thành chip trong các quy trình phức tạp với hóa chất, khí và máy móc đắt tiền. Những con chip được hoàn thiện sẽ đi đến các quốc gia khác để đóng gói, kiểm tra và vận chuyển đến các nhà sản xuất, cuối cùng là phân phối phần cứng.
Tình trạng thiếu hụt càng trầm trọng hơn trong năm nay, do một loạt sự gián đoạn xảy ra, ví dụ nhà máy chip Renesas Electronics Nhật Bản bị cháy, hạn hán ở Đài Loan và đợt rét đậm ở Texas khiến các nhà máy của Samsung, NXP Semiconductors và Infineon tạm thời dừng hoạt động.
"Mọi thứ hiện tại không khác gì địa ngục trần gian", theo Frank McKay – CPO của Jabil – công ty mua hàng tỷ USD chip mỗi năm để lắp ráp sản phẩm cho các khách hàng gồm Apple, Amazon, Cisco Systems và Tesla. Ông cho biết, ngày nào cũng vậy, công ty của ông phải đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 100 linh kiện và phải nỗ lực đàm phán hết sức để có được, "tình hình hiện tại lên xuống như tàu siêu tốc".
Việc khắc phục, giải quyết "thảm họa" này có thể sẽ kéo dài đến năm 2022. Gelsinger cho biết Intel đang thảo luận với các nhà cung cấp trong ngành ô tô về việc chuyển đổi một số hoạt động sản xuất chip sang các nhà máy cũ của mình, có thể hoạt động sau 6-9 tháng. Tuy nhiên, việc đưa thêm công cụ sản xuất vào nhà máy có thể mất 1 năm, trong khi xây dựng nhà máy mới mất 3 năm.
Hiện tại, lịch giao chip đã kéo dài từ khoảng 12 tuần đến hơn 1 năm, những bên mua và môi giới trong ngành tiết lộ. Đây thực sự là một tin xấu đối với những công ty như startup kinh doanh webcam – Wyze Labs. Công ty này cho biết, một số nhà sản xuất thông báo chỉ có thể cung cấp khoảng 1/3 số chip mà họ cần để sản xuất.
Zach Supalla – CEO của Particle, công ty sử dụng chip để chế tạo thiết bị liên lạc và máy tính, cho biết các vấn đề về nguồn cung có thể là chủ đề nhạy cảm. Công ty này bán thiết bị cho hàng nghìn nhà sản xuất những sản phẩm như bồn tắm nóng, điều hòa không khí và thiết bị công nghiệp, y tế.
Khi tìm thấy nguồn cung, mức giá có thể chênh lệch rất rõ ràng. Một vật dụng chỉ có giá chưa đến 1 USD giờ đây đã trở thành "của hiếm" khi dịch Covid-19 khiến các nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa.
Thiếu tụ điện sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất một bộ modem dữ liệu di động vốn rất phổ biến. Loại modem này thường được bán với giá 10-20 USD, nay đã tăng lên 200 USD trên thị trường giao ngay. Các khách hàng như những công ty sản xuất ô tô sẽ sẵn sàng chi trả để tạo ra những chiếc xe trị giá 40.000 USD. Nhưng không phải công ty nào cũng có khả năng.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu chip có thể làm giảm lượng hàng xuất xưởng và tăng chi phí cho máy chủ, thiết bị mạng nhằm cung cấp các dịch vụ như giải trí trực tuyến, học từ xa và y học. Ngoài ra, các nhà sản xuất phần mềm cũng có thể chịu tác động.