Đánh giá kiểm soát tham nhũng trong khu vực công có chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, song "Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)" năm 2020 cũng cho biết, tỷ lệ người dân phải trả chi phí ngoài quy định để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tiếp tục gia tăng trở lại (sau khi đã giảm vào năm 2017 - 2018). Có đến hơn 32% số người được hỏi cho biết phải "bôi trơn".
CÓ CHIỀU HƯỚNG TIẾP TỤC GIA TĂNG
Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam vừa công bố Báo cáo PAPI 2020. Về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, báo cáo cho thấy, điểm chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công năm 2020 đạt mức cao nhất trong 10 năm qua.
Từ góc nhìn của người dân, công cuộc chống tham nhũng đã và đang tác động tới các cấp chính quyền địa phương. Tỷ lệ người được hỏi cho rằng, hối lộ là cần thiết để có việc làm trong cơ quan nhà nước, khi đi khám chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến huyện/quận, khi muốn con em được giáo viên tiểu học trường công lập quan tâm hơn và khi làm giấy phép xây dựng tiếp tục giảm. Báo cáo chỉ rõ xu hướng này bắt đầu giảm từ năm 2016.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát về trải nghiệm thực tế của người dân với nhũng nhiễu khi sử dụng dịch vụ công cho thấy "một bức tranh kém tươi sáng hơn" trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể, tỷ lệ người dân đã phải trả chi phí ngoài quy định để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) tiếp tục tăng trong năm 2020. Có hơn 32% số người được hỏi cho biết, họ đã phải trả thêm tiền ngoài quy định mới làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho hộ gia đình. Tỷ lệ này gần tương đương với kết quả của 7 năm trước đó (năm 2013 là 33%) và cao hơn khá nhiều so với năm 2019 là 22,3% và năm 2018 là 15%.
Nhìn lại báo cáo các năm qua, tỷ lệ này "nóng" nhất, tăng đột biến vào năm 2015 khi có tới 44% người được hỏi cho biết đã chi thêm tiền "bôi trơn" khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tỷ lệ này sau đó giảm sâu vào năm 2016 (23%) và đến năm 2018 là 15%. Tuy nhiên, đến năm 2019, con số này lại tăng lên 22,3%.
Trước tỷ lệ 44% số người làm thủ tục cấp sổ đỏ cho biết phải "bôi trơn", năm 2016, Bộ TN&MT đã yêu cầu làm rõ thông tin. Bộ cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý đất đai phải công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về đường dây nóng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai nói chung và tình trạng gây nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các địa phương nói riêng…
CÓ THỂ NGĂN CHẶN ĐƯỢC TÌNH TRẠNG NÀY?
Là người đã từng có vài lần chuyển nhượng, mua bán nhà đất, anh Phạm Quang Vinh tại TP. HCM cho biết, đã từng "bôi trơn" để công việc được nhanh, trôi chảy, không phải chờ đợi bốc số, xếp hàng hay vất vả khi hồ sơ thiếu sót…
Vì đang công tác không có thời gian nên mỗi lần làm thủ tục giấy tờ nhà đất, ông Hoàng Minh Tuấn (Hà Nội) cũng đều "nhờ" các "cò chuyên môn" hoặc những đơn vị chuyên làm dịch vụ sổ đỏ nên rất nhanh gọn.
Ngược lại với ông Vũ Xuân Chung (Hải Phòng), một người kinh doanh mua bán nhà đất thì nhận định, các thủ tục hành chính hiện nay đã cải cách đơn giản, nhanh gọn nên ông không cần phải "bôi trơn". Khi có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, nhà đất không bị tranh chấp, vi phạm, sai sót và đúng theo quy trình thủ tục hướng dẫn thì đúng hẹn sẽ được lấy sổ đỏ. Với những lô đất đầu tư ở các tỉnh xa, ông Chung thường thông qua các đơn vị trung gian để làm.
Tuy nhiên, với những trường hợp đất đai "có vấn đề", hoặc người dân chưa quen các quy trình thủ tục, phải khai báo nhiều mục với các thông tin số liệu không chính xác, không đúng thì sẽ phải đi lại nhiều lần nên nhiều người đã chấp nhận bỏ chi phí để "nhờ" làm. Bên cạnh đó, với những hồ sơ còn thiếu, nhập nhèm số liệu,… thì người dân thường qua các kênh để hoàn thiện thủ tục.
Chia sẻ về thực trạng này, GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, vẫn có ý kiến ở nhiều nơi người dân và doanh nghiệp phàn nàn việc cấp sổ đỏ còn là vấn đề phức tạp. Thực tế đáng ra việc làm sổ không phức tạp như thế bởi tất cả những trường hợp đủ điều kiện thì sẽ được cấp, còn không đủ điều kiện thì không được cấp.
Nhiều chuyên gia khác thì lý giải, năm 2020 do ảnh hưởng của Covid-19 nên lượng người quan tâm đến thị trường bất động sản lớn hơn, đầu tư mua bán nhiều hơn nên sẽ phải tách thửa, làm sổ. Có thể đây cũng là lý do khiến tình trạng "bôi trơn" tăng lên.
Về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ bày tỏ: chúng ta cũng không nên trách người dân làm hư cán bộ bởi họ nghĩ rằng việc làm sổ đỏ là khó khăn, phức tạp nên phải "bôi trơn". Đây là tình trạng chung đã có từ lâu. Người dân thấy muốn được việc thì phải "lo" sớm nhưng nếu cán bộ làm công việc này cương quyết không nhận thì tình trạng này sẽ không xảy ra.
Theo ông Võ, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn được thực trạng trên, vấn đề là quyết tâm làm. "Khi tất cả việc kê khai sổ đỏ làm trên mạng, thực hiện đúng quy định, qua một cửa liên thông thì sẽ không còn tình trạng "bôi trơn". Bên cạnh đó, chúng ta chỉ cần giám sát thực hiện việc cấp sổ theo đúng quy định thủ tục và thời gian cấp. Về phía người dân cũng không phải "bôi trơn" và làm theo đúng quy trình", ông Võ nói.
Xem thêm: mth.84495453161401202-od-os-mal-ihk-nort-iob-iahp-nav-nad-iougn/nv.ymonocenv