Lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh An Giang khẳng định đã gắn định vị các xáng cạp khai thác cát để giám sát xử lý - Ảnh: BỬU ĐẤU
Giá trúng thầu cao hơn hàng trăm lần so với giá khởi điểm, liệu việc định giá khởi điểm có phù hợp thực tế? Giá trúng thầu quá cao hay giá khởi điểm được định quá thấp?
Vì sao chỉ 7,2 tỉ đồng?
Trong vụ đấu thầu khai thác cát trên sông Tiền (An Giang), giá khởi điểm chỉ 7,2 tỉ đồng, 19 doanh nghiệp tham gia, phần thắng với giá hơn 2.811 tỉ đồng thuộc về một công ty ở quận 7, TP.HCM. Một mỏ cát khác trên sông Hậu cũng được tổ chức đấu thầu giá khởi điểm chỉ 4,4 tỉ đồng, 16 doanh nghiệp tham gia, giá trúng thầu gần 273 tỉ đồng.
Giá khởi điểm sao lại thấp đến thế? Ví dụ như mỏ cát trên sông Tiền có diện tích 60,3ha, khai thác với mức sâu dự kiến 16m, trữ lượng được tính gần 2,4 triệu m3. Giá khởi điểm là 7,2 tỉ đồng được Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh An Giang giải thích đã làm đúng quy định, căn cứ theo nghị định 67/2019 của Chính phủ để tính toán ra thông số R = 5% (đối với khoáng sản tạm tính khi chưa biết chắc chắn số lượng cát có dưới mỏ là bao nhiêu).
Căn cứ tính toán đưa ra giá khởi điểm theo thông số R trong nghị định 67/2019 đã không còn phù hợp thực tế khi giá trúng thầu cao hơn gần 400 lần. Giá trúng thầu 2.811 tỉ đồng, khai thác 2,4 triệu m3 cát, tính ra hơn 1 triệu đồng/m3.
Nhìn qua thấy vô lý nhưng không phải vậy! Mỏ cát nói trên có diện tích 60,3ha, sâu 16m, có thể tính ra thể tích hơn 9,6 triệu m3 trong khi giá khởi điểm đấu thầu chỉ tính 2,4 triệu m3.
Giá cát trên thị trường hiện nay đã khá cao. Cát xây tô từ 380.000 - 460.000 đồng/m3. Tạm tính ở mức 400.000 đồng/m3 nhân với hơn 9,6 triệu m3 có thể thu được hơn 3.800 tỉ đồng. Có thể thấy việc xác định khối lượng cát dự trữ dưới sông quá thấp dẫn đến giá khởi điểm quá thấp.
Loại bỏ "xin - cho"
Sông ngòi nước ta có trữ lượng cát rất lớn. Nhiều địa phương (trong đó có tỉnh An Giang) chỉ mới tổ chức đấu thầu khai thác cát trên sông từ năm 2018. Trước đó, chỉ định thực hiện "xin - cho" khai thác.
Từ các vụ việc đấu giá các mỏ cát ở tỉnh An Giang, nên chăng rà soát lại các mỏ cát trong cả nước lập thành dự án, khảo sát kỹ trữ lượng hiện có, xác định thời gian khai thác phù hợp. Hơn nữa, xem xét các căn cứ tính toán, trong đó có thông số R theo nghị định 67/2019.
Quản lý chặt hơn việc khai thác tài nguyên khoáng sản với yêu cầu áp dụng triệt để đấu thầu rộng rãi để tạo cơ hội cạnh tranh công bằng. Cần có cách tính trữ lượng sát thực tế hơn cũng như có hội đồng thẩm định giá khởi điểm phù hợp trong các dự án khai thác cát.
Được biết việc đấu thầu mỏ cát sông Tiền và sông Hậu được thực hiện theo Luật đấu giá tài sản năm 2016. Tài sản đấu giá ở đây là "quyền khai thác khoáng sản". Với chi phí trúng đấu thầu với số tiền "khủng" đó, doanh nghiệp được cấp quyền khai thác mỏ cát đang ở dưới lòng sông trong khoảng thời gian nhất định.
Mỗi mét khối cát được múc đưa lên khỏi lòng sông, doanh nghiệp còn phải nộp thuế tài nguyên theo luật định và nhiều chi phí thuê nhân công, chi phí cho máy móc, lưu trữ, vận chuyển...
Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp có thể lỗ hoặc "bỏ chạy" sau khi trúng thầu giá cao. Nhưng thực tế doanh nghiệp không lo điều này khi nhu cầu cát xây dựng vẫn rất cao trên thị trường. Giá cát có cao hơn nữa cũng không lo ế khi chưa có nguyên vật liệu khác thay thế cát trong xây dựng.
ĐBSCL đang sạt lở, sụt lún nhiều nơi. Mỏ cát có giá trúng thầu hàng nghìn tỉ này cũng ở địa bàn sạt lở nặng nhất Tây Nam Bộ. Do vậy dù giá trúng thầu có cao đến mấy cũng không phải là tin vui, nhất là với bà con sinh sống tại địa phương. Hạn chế, siết chặt khai thác cát, tìm vật liệu khác thay thế là điều cần kiên quyết làm song song với việc định giá đấu thầu khai thác cát cho hợp lý hơn.
TTO - Ông có biết nhà ông chủ doanh nghiệp vừa bỏ giá ngàn tỉ để thầu mỏ cát hỏi ông ấy giúp vài câu cớ sự gì mà bỏ thầu khủng như vậy. Bộ ông ấy quên lâu nay nhiều người ngoặm, xúc cát dưới sông có mất đồng nào đâu!?