Ngày 16-4, Ban chỉ đạo 389 TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại hàng giả năm 2020, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2021.
Thành lập công ty "ma" để buôn lậu
Đại diện Phòng cảnh sát kinh tế- Công an TP.HCM cho biết, năm 2020 đã phát hiện triệt phá 1.081 vụ với 1.074 đối tượng. Tổng giá trị hàng hóa tạm giữ khoảng 150 tỷ đồng, tổng số tiền xử phạt hơn 20 tỷ đồng.
Theo vị đại diện Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM, năm 2020 do tình hình dịch bệnh COVID-19 các tuyến biên giới tăng cường kiểm soát chặt chẽ, đường hàng không bị hạn chế, nhưng buôn lậu hàng giả hàng cấm vẫn diễn biến phức tạp qua đường đường biển, đường bộ với phương thức thủ đoạn tinh vi.
Ngoài các thủ đoạn phổ biến như khai báo sai số lượng hàng hóa, sai chủng loại hàng hóa...gần đây đối tượng dùng các thủ đoạn tinh vi khác như khai báo tạm nhập tái xuất hàng hóa sang nước thứ ba sau đó thẩm lậu đưa về TP.HCM tiêu thụ.
Hàng hóa về các cảng TP.HCM hoặc sân bay Tân Sơn Nhất nhưng khi mở tờ khai điện tử ở các cửa khẩu khác như Tây Ninh, Long An, Vũng Tàu các đối tượng khai báo các mặt hàng đơn giản đồng nhất để hưởng luồng xanh luồng vàng. Từ đây đối tượng sẽ lấy hàng hóa ra tiêu thụ luôn mà không cần đưa lên cửa khẩu đã đăng kí tờ khai để kiểm hóa.
Thường các đối tượng thành lập những công ty “ma”, không có hoạt động tại địa chỉ đăng kí, sau một thời gian ngắn đổi tên thành công ty khác hoạt động để tránh sự chú ý theo dõi của cơ quan chức năng.
Hiện nay Phòng cảnh sát kinh tế đang điều tra xử lý một DN đã mở 180 tờ khai trong một năm, trị giá hàng hóa một tờ khai khoảng 1 tỷ đồng và đang mở rộng ra nhiều công ty khác…
Đáng chú ý là tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) diễn ra khá phức tạp, tập trung vào các mặt hàng như thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, thực phẩm chức năng.
Thủ đoạn mới hiện nay là các đối tượng sản xuất thuốc tân dược giả tráo đổi hàng nội thành hàng ngoại hoặc núp bóng các DN có chức năng sản xuất để sản xuất thuốc tân dược giả và thực phẩm chức năng giả các loại đã được đăng ký độc quyền của các công ty trong nước và nước ngoài với quy mô lớn…
Theo đại diện Phòng cảnh sát kinh tế Công an thành phố, có trường hợp khi phát hiện tạm giữ hàng hóa chủ hàng không đến làm việc, địa chỉ công ty không có thật hoặc không họat động và thường thì các địa chỉ này ở các tỉnh xa xôi khó xác minh nhanh để xử lý; giám đốc không có mặt ở địa phương, không biết mình làm giám đốc mà hiện đang làm thuê hoặc làm rẫy.
Tương tự, đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho biết, trong năm 2020 đơn vị phát hiện xử lý trên 1.500 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm trên 1.500 tỷ đồng.
Trước đây các đối tượng thành lập các đường dây buôn lậu vận chuyển hàng trái phép với quy mô lớn thì hiện nay các đối tượng chuyển sang tổ chức buôn lậu theo phương thức nhỏ lẻ nhưng thủ đoạn tinh vi hơn. Các đối tượng lợi dụng cơ chế chính sách thông quan trong việc phân luồng tự động để buôn lậu hàng hóa có giá trị cao và hoạt động xuất nhập khẩu hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm SHTT.
Đặc biệt mới đây các DN lợi dụng hàng quá cảnh, tạm nhập tái xuất từ Việt Nam sang Campuchia để buôn lậu gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu qua biên giới; đưa hàng sang biên giới hoàn thành thủ tục quá cảnh sau đó tìm cách nhập lậu ngược lại Việt Nam.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng trao bằng khen cho các cá nhân tập thể đạt thành tích trong công tác năm 2020.
Tập trung đấu tranh các công ty "ma"
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng, Trưởng ban BCĐ 389 TP.HCM cho biết, năm 2020 dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Do dịch kéo dài đã xuất hiện nhiều nơi sản xuất, bán khẩu trang kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Nhiều đối tượng mua gom khẩu trang, găng tay dung dịch diệt khuẩn bán lại và nâng giá bất hợp lý.
Trước tình hình trên, BCĐ 389 TP.HCM thường xuyên giám sát xử lý kịp thời và ngăn chặn các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh khẩu trang, găng tay, dung dịch diệt khuẩn góp phần phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả trên địa bàn thành phố.
"So sánh kết quả năm 2020 và 2019 cho thấy công tác kiểm tra kiểm soát đi vào trọng tâm. Góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lâu gian lận thương mại trên địa bàn thành phố", bà Thắng nói.
Ông Trần Đức Đông, Phó chánh Văn phòng 389 cho biết, từ kết quả chống buôn lậu trên toàn quốc nói chung và TP.HCM nói riêng dự báo buôn lậu gian lận thương mại thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp. Thời gian tới lực lượng chức năng tập trung đấu tranh đối với việc thành lập các công ty "ma" để buôn lậu trốn thuế với quy mô lớn, gửi hàng hóa qua đường bưu điện và đường chuyển phát nhanh...