Trong báo cáo trước Quốc hội về thao túng tiền tệ, bộ Tài chính Mỹ hôm 16/4 cho biết, không có quốc gia nào tương ứng với các tiêu chí của Mỹ về thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, cơ quan này nói rằng Việt Nam, Thụy Sĩ, cũng như Đài Loan (Trung Quốc), sẽ được tăng cường giám sát.
Bộ Tài chính Mỹ cũng không dán nhãn Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, điều mà chính quyền Trump đã làm vào năm 2019 trong giai đoạn căng thẳng thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc hiện nằm trong danh sách 11 quốc gia bị giám sát ở mức độ thấp hơn Việt Nam, Thụy Sĩ.
Cùng trong danh sách với Trung Quốc còn có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ireland, Ý, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Mexico. Chỉ có Ireland và Mexico là được thêm vào danh sách mới nhất.
Các quốc gia bị Mỹ cáo buộc tham gia thao túng tiền tệ thường sẽ hạ thấp giá trị đồng tiền trong nước trong khi nâng cao giá trị của đồng USD. Đồng tiền yếu hơn có thể giúp cho hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia rẻ hơn trên thị trường nước ngoài trong khi khiến cho hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt hơn.
Việc bị chỉ định là nước thao túng tiền tệ có thể đồng nghĩa với việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu như không giải quyết được vấn đề bất đồng giữa hai bên trong đàm phán.
Các nhà phân tích tư nhân ủng hộ việc chính quyền Joe Biden rút Việt Nam và Thụy Sĩ ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam không phải là quốc gia thao túng tiền tệ, nhấn mạnh các chính sách tiền tệ của Việt Nam được ban hành vì nhiều mục đích kinh tế vĩ mô khác nhau, nhưng chắc chắn "không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng".