Một vấn nạn cũ đang chờ tân Chính phủ
Kinh tế Sài Gòn
(KTSG) - Trung tâm Y tế huyện Măng Thít, một trong những công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2021-2025 được đầu tư 235 tỉ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước, sau hơn nửa năm khánh thành vẫn đóng cửa im ỉm.
Một hạng mục bên trong công trình Trung tâm Y tế huyện Măng Thít sụt lún, nứt nẻ. Ảnh: CAND |
Đây là cái tên mới nhất trong danh sách khoảng một chục dự án bệnh viện được Nhà nước đầu tư nhưng không hẹn ngày đưa vào sử dụng. Trên khắp cả nước hiện có hàng ngàn công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội như thế, khiến hàng trăm ngàn tỉ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bị kẹt trong những công trình thi công dở dang hoặc bị bỏ cho hoang phế, mặc dù đây đều là những công trình rất được người dân mong đợi.
Trong bài phát biểu nhậm chức, một trong những nội dung của chương trình hành động được tân Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra là: “Quản lý, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược có trọng tâm, trọng điểm”.
Có thể nói, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước chính là chìa khóa để thực hiện mục tiêu Việt Nam hùng cường vào năm 2045. Nhưng giải quyết vấn nạn sử dụng nguồn lực kém hiệu quả, vốn đã trở thành căn bệnh mãn tính từ hàng chục năm qua, cũng là thách thức không hề nhỏ của tân Chính phủ.
Một trong những điểm nhấn quan trọng cần phải giải quyết đó là cải thiện hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Sự hiện diện của hàng ngàn công trình thi công dở dang kéo dài trên mọi miền đất nước, tình trạng đội vốn đầu tư khủng diễn ra tràn lan, là những bằng chứng sinh động của hiện trạng rất đáng lo ngại này.
Vấn đề này càng trở nên cấp bách hơn khi trong nhiệm kỳ Chính phủ 2021-2025 tổng mức đầu tư công được dự chi lên đến 2,75 triệu tỉ đồng, tăng tới 37% so với giai đoạn năm năm trước. Đây là nguồn lực rất lớn, mà nếu sử dụng hiệu quả, sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam sớm phục hồi sau đại dịch để vươn lên, đồng thời cũng là nguồn lực để Chính phủ từng bước hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam hùng cường vào năm 2045. Ngược lại, nó có thể trở thành gánh nặng nợ nần cho những thế hệ tương lai.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém hiệu quả của nhiều dự án đầu tư công, nhưng tựu trung lại vẫn là vấn đề liên quan đến cơ chế và trách nhiệm. Vì vậy, vấn đề hiệu quả sử dụng nguồn lực công tuy là bài toán khó, nhưng nếu kiên quyết thì chắc chắn Chính phủ sẽ làm được.
Khi đặt ra mục tiêu “quản lý, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước” có lẽ Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã hình dung được những vấn đề cần phải đột phá, và nó hiện diện ngay trong năm nhóm nhiệm vụ trọng tâm được ông đề cập trong ngày nhậm chức.
Đó là hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; xác định rõ trách nhiệm, phát huy tính chủ động sáng tạo của các cấp, các ngành; khuyến khích và bảo vệ người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng cơ chế, giải pháp mạnh mẽ; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các ngành các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và người dân...
Có thể thấy, Thủ tướng đã tìm ra đúng thuốc để trị căn bệnh lãng phí và kém hiệu quả. Vấn đề còn lại là liều lượng có đủ mạnh để trị dứt điểm căn bệnh này hay không.
Xem thêm: lmth.uhp-hnihc-nat-ohc-gnad-uc-nan-nav-tom/993513/nv.semitnogiaseht.www