Không khí "Lễ hội Việt - Nhật" lần 7 tại TP.HCM - Video: PHƯƠNG NAM
Với khẩu hiệu "Cùng nắm chặt tay nhau", Lễ hội Việt - Nhật lần thứ 7 diễn ra tại TP.HCM trong 2 ngày 17 và 18-4.
Điểm khác biệt của lễ hội năm nay là ngoài các sự kiện diễn ra trực tiếp, ban tổ chức còn kết nối hình ảnh lễ hội diễn ra tại Việt Nam và từ Nhật Bản thông qua hình thức livestream (phát trực tuyến), để người tham dự có nhiều trải nghiệm mới, lạ.
Năm nay, lễ hội có khoảng 100 gian hàng giới thiệu đến khách tham quan về truyền thống, văn hóa, du lịch, hàng hóa, khoa học kỹ thuật đặc trưng của hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Không gian trà đạo theo phong cách Nhật Bản tại lễ hội - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ông Tô Huy Rứa, trưởng ban tổ chức Lễ hội Việt - Nhật tại Việt Nam, phát biểu thông qua hình thức phát trực tuyến, nhận định rằng 6 mùa lễ hội đã diễn ra hằng năm đều có sự hấp dẫn riêng, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, tạo sức lan tỏa.
Lần thứ 7 này là lần đặc biệt diễn ra trong hoàn cảnh khó khăn, tưởng chừng không thể tổ chức. Lễ hội vừa được tổ chức trực tuyến vừa trực tiếp, đáp ứng những yêu cầu trong tình hình mới.
Với sự đa dạng, phong phú trong nội dung lẫn các hoạt động trình diễn tại các gian hàng quảng bá, giao lưu, giới thiệu về ẩm thực và du lịch, góp phần củng cố mối quan hệ thân thiết giữa hai đất nước.
Nhật Bản - Việt Nam đang củng cố mối quan hệ mật thiết trên nhiều lĩnh vực và đang xây dựng mối quan hệ tốt đẹp. Năm 2023, hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam.
Ông Yamada Takio, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam
Bạn trẻ trải nghiệm làm hoa vải Tsumami tại lễ hội - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Cũng thông qua hình thức livestream, ông Takebe Tsutomu, trưởng ban tổ chức Lễ hội Việt - Nhật phía Nhật Bản, cho biết rất hạnh phúc khi lễ hội được tổ chức sau hai lần tạm hoãn. Việc giới thiệu công nghệ kỹ thuật, đặc sản, du lịch, văn hóa của hai nước sẽ giúp cả hai xích lại gần nhau, thắt chặt tình hữu nghị.
Khách tham quan thích thú trải nghiệm các hoạt động văn hóa dân gian của Việt Nam cũng như Nhật Bản như: thắt lá dừa, gấp giấy Origami, thực hiện hoa vải Tsumami, thưởng thức trà đạo, làm thơ Haiku…, đồng thời tìm hiểu về các tour du lịch Nhật, thưởng thức ẩm thực…
Bạn Ngọc Bích (Q.10, TP.HCM) thích thú trải nghiệm viết thư pháp - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Đặc biệt, khách tham quan được thưởng thức các tiết mục văn hóa văn nghệ từ các ca sĩ Việt Nam như Ông Cao Thắng, Đông Nhi, Minh Hằng, SGO48… và các nhóm nhạc thần tượng của Nhật Bản (được chiếu video đã ghi hình trước) như Da Pump, Exile Atsushi, Wadaiko Sho…
Ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ: "Tiếp nối thành công các mùa lễ hội năm trước, lễ hội năm nay tiếp tục mang đến những nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản để người dân TP.HCM có dịp trải nghiệm những giá trị, sản phẩm văn hóa một cách sinh động như đang ở đất nước Nhật Bản".
Dự lễ khai mạc sáng 17-4 về phía Nhật Bản có đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yamada Takio cùng phu nhân, và tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, ông Watanabe Nobuhiro cùng phu nhân; phía Việt Nam có ông Trương Tấn Sang, nguyên chủ tịch nước; ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP.HCM...
Một số hình ảnh tại Lễ hội Việt - Nhật:
Các gian hàng tại lễ hội thu hút đông các bạn trẻ - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Một nhóm bạn trẻ cosplay theo các nhân vật của Nhật Bản - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Các bạn thích thú dùng thử các món ăn theo phong cách Nhật Bản tại lễ hội - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
TTO - "Hoa sen sao khéo giữ màu, nắng nồng không nhạt, mưa dầu không phai". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại câu ca dao của người dân Việt Nam về hoa sen để chúc cho Lễ hội hoa sen Nhật - Việt thành công tốt đẹp.
Xem thêm: mth.56553433171401202-mch-pt-iat-tahn-teiv-aoh-nav-ioh-yagn-gnuhn-meihgn-iart/nv.ertiout