Chỉ trong mấy tháng đầu năm 2021, Mỹ đã chứng kiến 326 thương vụ niêm yết thông qua SPAC, huy động tổng cộng 101 tỷ USD. Giờ đây, cơn sốt này đã bắt đầu hạ nhiệt vì những nguy cơ đến từ thay đổi quy định quản lý. Một số thương vụ của các tập đoàn đầu tư và tỷ phú châu Á cũng nằm trong số bị ảnh hưởng.
Theo Bloomberg, các công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC) châu Á đang đợi niêm yết ở Mỹ bao gồm Gateway Strategic Acquisition, Artisan Acquisition và Hony Capital Acquisition. Các công ty này đều đã nộp hồ sơ niêm yết hơn hai tuần trước, tức là đã có thể IPO được rồi nhưng tất cả đều quyết định tạm hoãn để theo dõi tình hình và đợi tâm lý thị trường cải thiện.
Tuần vừa qua, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã dội một gáo nước lạnh lên cơn sốt SPAC bằng việc ban hành một văn bản hướng dẫn cho rằng các chứng quyền phát hành cho nhà đầu tư sớm có thể không được coi là một phần vốn chủ sở hữu và phải xếp vào nhóm nợ phải trả khi hạch toán kế toán.
Nhiều thương vụ đang dậm chân tại chỗ vì lo ngại văn bản nói trên của SEC.
Thông báo của SEC xuất hiện rất không đúng lúc với các ông chủ châu Á. Bên cạnh các SPAC chuẩn bị lên sàn, nhiều công ty khác cũng đang lập kế hoạch tương tự như New Frontier Group, các công ty của tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành, …
Bloomberg dẫn lời ông Thomas Vita – chuyên gia tài chính doanh nghiệp tại công ty luật Norton Rose Fulbright nhận định: Động thái mới nhất của SEC "chắc chắn sẽ khiến quy trình phê duyệt đăng ký niêm yết của các SPAC châu Á (cũng như SPAC từ những nơi khác) mất thời gian hơn nhiều".
SPAC về bản chất là các công ty vỏ bọc, không có hoạt động sản xuất kinh doanh thực chất mà được lập ra chỉ để mua lại các công ty lớn có mong muốn lên sàn chứng khoán.
Vòng đời của một SPAC thường kéo dài khoảng 24 tháng, từ khi thành lập đến khi phát hành cổ phiếu để hoán đổi với công ty mục tiêu muốn lên sàn.
Nếu sau 24 tháng mà không tìm được mục tiêu, SPAC sẽ giải thể và trả lại tiền cho nhà đầu tư. Tuy nhiên thông thường các SPAC đã xác định được đối tượng để mua lại ngay từ khi thành lập. Vì SPAC là công ty chỉ có cái vỏ nhưng đi mua lại các công ty quy mô lớn nên giao dịch kiểu này gọi là "sáp nhập ngược" (reverse merger).
SPAC sẽ lên sàn chứng khoán trước, sau đó mua lại công ty mục tiêu, giúp công ty này đưa cổ phiếu lên niêm yết mà không cần trải qua quá trình xét duyệt hồ sơ IPO nên quá trình này còn gọi là "niêm yết cửa sau".
Các công ty lên sàn qua SPAC sẽ chịu ít nghĩa vụ công bố thông tin hơn so với khi nộp hồ sơ IPO trực tiếp, đồng thời không phải đáp ứng các yêu cầu về doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền … như khi niêm yết trực tiếp.
Các SPAC châu Á đã huy động 3,1 tỷ USD trong ba tháng đầu năm 2021, nhiều hơn số tổng cả năm 2020. Tuy quy mô vẫn còn nhỏ nhưng giá trị tăng nhanh cho thấy sự hấp dẫn của SPAC đối với các doanh nhân phương Đông.
Việc thị trường SPAC hạ nhiệt chưa chắc đã là tin xấu, vì nhiều công ty lên sàn thời gian qua bị coi là thuộc loại bong bóng.
SEC cũng cảnh báo các công ty có tham vọng niêm yết rằng việc sử dụng SPAC không phải là cách để tránh công bố thông tin quan trọng tới nhà đầu tư. Nói tóm lại, SPAC không còn có sức hút quá lớn như trước đây.
Ông Johannes Juette – chuyên gia tại công ty luật Clifford Chance nhận định: "Những thay đổi về quy định quản lý tại Mỹ sẽ rất đáng theo dõi. Các nhà quản lý và sàn giao dịch ở châu Á sẽ chú ý sát sao tình hình".
Xem thêm: mth.19922859081401202-ioh-ix-uad-tab-gnob-gnob-cul-gnud-caps-ned-mit-a-uahc-uhp-yt-cac/nv.zibmanteiv