vĐồng tin tức tài chính 365

Trần Lực: 'Phim ảnh Việt bây giờ nói xấu đàn ông nhiều quá'

2021-04-18 11:16
Trần Lực: Phim ảnh Việt bây giờ nói xấu đàn ông nhiều quá - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Trần Lực trong tạo hình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ảnh: ĐPCC

"Hình tượng đàn ông trong điện ảnh, sân khấu và văn học Việt Nam đang thực sự thiếu. Việc tạo nên những mẫu đàn ông đầy khí chất là rất cần thiết. Người ta sẽ say mê và muốn học theo hình mẫu đó" - diễn viên, đạo diễn Trần Lực chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Phim Việt cần hình mẫu đàn ông bản lĩnh, lý tưởng

* Kể từ Long thành cầm giả ca (năm 2010), hơn 11 năm rồi anh mới trở lại màn ảnh rộng với phim Em và Trịnh ra mắt cuối năm nay. Hiện tại, anh tìm kiếm điều gì trong điện ảnh?

- Tôi tìm kiếm nhân vật của mình. Người diễn viên chuyên nghiệp đúng nghĩa là mỗi vai diễn phải có sự khác biệt, thách đố.

Cũng là Trần Lực, khi đóng vai Hùng trong Đời hát rong (1991) là anh thương binh nghèo, mắt mù, bán vé số, thân phận rất bi kịch. Anh ấy trải qua chiến tranh, bị thương, nhưng cũng chính cuộc chiến ấy làm anh mạnh mẽ hơn. Cũng là Trần Lực, khi đóng Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong (2003) lại là người đàn ông trí thức, mang trong mình thứ khát vọng vĩ đại là giải phóng dân tộc.

Cũng là Trần Lực, khi đóng chàng kỹ sư Hoành trong Sẽ đến một tình yêu (1983) lại là một chàng trai trẻ, yêu đời, đấu tranh đến cùng với cái sai. Nhận thấy thỏa hiệp là sai trái, anh quyết tâm chống lại. Đây là vai diễn đầu đời của tôi. Tôi nhận vai khi là sinh viên năm thứ nhất Trường Sân khấu điện ảnh, được đạo diễn - NSND Phạm Văn Khoa chọn.

* Điện ảnh Việt một thời có những mẫu đàn ông bản lĩnh, chính trực như vậy. Khoảng 20 năm trở lại đây, hình tượng họ trở nên yếu hơn, nhạt nhòa hơn. Anh có cho là vậy?

- Đàn ông hay không là do nhân vật. Việc của người diễn viên rất rõ ràng: anh phải thể hiện đến cùng nhân vật.

Từ trước đến nay, tôi đều đóng những vai bản lĩnh, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, vượt qua những điều xấu. Nếu gặp nhân vật là người đồng tính, tôi sẵn sàng đóng chứ. Nếu có nhân vật phản diện, tôi rất muốn được hóa thân. Nếu nhân vật yếu đuối, run sợ trước mọi thứ, tôi phải cố gắng thể hiện chứ.

Còn yếu đuối ư? Đàn ông đại đa số là yếu đuối mà. Tôi nói thật đấy. Từ xưa đến nay, họ phải thỏa hiệp với cuộc sống nhiều lắm.

* Nếu đàn ông phần lớn là yếu đuối như anh nói, điện ảnh Việt đã phản ánh được hết nỗi niềm của họ chưa?

- Phim ảnh Việt Nam bây giờ nói xấu đàn ông nhiều quá (cười). Có thể các nhà làm phim cũng muốn đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khán giả. Nhưng có những thứ chỉ đàn ông mới hiểu cho nhau. Văn là người, phim cũng là người. Ai làm phim cũng đều phản ánh những nỗi niềm của họ.

Hình tượng đàn ông trong điện ảnh, sân khấu và văn học Việt Nam đang thực sự thiếu. Sự thiếu hụt này không hề tốt. Văn học nghệ thuật có ảnh hưởng rất lớn với công chúng. Việc tạo nên những mẫu đàn ông đầy khí chất là rất cần thiết.

Một nhân vật đàn ông mạnh mẽ, yêu đời, như một hình mẫu lý tưởng là cách giáo dục gián tiếp với các khán giả trẻ. Người ta sẽ say mê và muốn học theo hình mẫu đó.

Vai Trịnh Công Sơn không nhấn vào khí chất đàn ông

* Vai diễn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của anh trong Em và Trịnh có phải là hình mẫu lý tưởng?

- Vai diễn Trịnh Công Sơn không nhấn vào khí chất đàn ông, mà nói về cuộc đời của một người nghệ sĩ, thể hiện tâm hồn nghệ sĩ.

Vai này đòi hỏi ngoài trình độ, hiểu biết điện ảnh, diễn viên còn phải hiểu biết nhiều thứ khác. Trước đây tôi biết chơi đàn nhưng chưa hay, nên nhà sản xuất đầu tư để tôi học chơi đàn thật hay. Nhà sản xuất mời thầy dạy tôi hát, nói tiếng Pháp, thuê chuyên gia dinh dưỡng. Tôi học nói giọng Huế như nhân vật.

Có nhiều thứ người ta tưởng khó, nhưng lại là công việc bình thường của diễn viên. Ví dụ tôi phải giảm 11kg cho vai Trịnh Công Sơn. Cũng như ngày xưa, đóng phim Người đi tìm dĩ vãng (1992), tôi tập gym trong hơn một tháng để tăng 5kg, có cơ thể khỏe mạnh, cơ bắp.

Cái khó của nghề diễn viên lại nằm ở mấy chữ rất ngắn gọn thôi: diễn ra thần thái, con người nhân vật.

Ngoại hình, giọng nói, tiếng hát... góp phần cộng lại làm nên một Trịnh Công Sơn giữa cuộc đời này, một con người yêu đời thiết tha, "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi", hay "Ôi tóc em dài đêm thần thoại"... Chỉ có hồn nhiên, yêu đời đến vậy ông ấy mới đồng cảm sâu sắc với những thân phận trong chiến tranh, trong các cuộc tình.

* Anh có phải một nghệ sĩ yêu đời như ông ấy?

- Đến tuổi này, tôi mới tự nhận mình là nghệ sĩ, có tâm hồn nghệ sĩ. Tôi cũng rất đồng điệu với Trịnh Công Sơn. Tôi vào vai nhẹ nhàng lắm.

* Tại sao đến tuổi này, anh mới nhận mình là nghệ sĩ?

- Con người ta có từng giai đoạn. Có lẽ tôi là nghệ sĩ từ khi sinh ra, nhưng tôi cắm đầu vào làm việc, học, rồi làm việc. Hết phim này đến phim kia, vai diễn này đến vai diễn kia. Tôi không có thời gian và cũng không có nhu cầu tĩnh tại để nhìn lại mình. Tuổi trẻ hung hăng mà, tôi muốn chinh phục vai diễn này, đỉnh cao nọ. Người ta nói vai nông dân khó, tôi đóng luôn vai nông dân.

Tôi biết mình có tố chất nghệ sĩ rất mạnh. Tôi có trí tưởng tượng, óc quan sát, sự tinh tế. Tôi biết chắt lọc những chi tiết. Ngày xưa, tôi đâu để ý, cứ lao vào những vai diễn, lao tâm khổ tứ vì chúng. Nhưng tố chất nghệ sĩ vẫn luôn ở bên trong mình.

Giao thời của điện ảnh phía Bắc

tran luc

Trần Lực trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong

* Điện ảnh nhà nước, phía Bắc từng có nhiều tác phẩm thuộc hàng kinh điển, nhưng gần đây có dấu hiệu đi xuống. Điều này có đáng buồn?

- Chẳng có gì đáng buồn đâu. Thứ gì cũng có đỉnh cao vinh quang rồi lại đi xuống. Ở Hà Nội, đội ngũ kế cận của điện ảnh hoặc không có, hoặc rất mờ nhạt. Nhiều người nói khán giả phía Bắc khó tính, không phải đâu.

Vấn đề là lối làm phim cũ kỹ quá. Trước khi rơi vào tình trạng không có phim nào như hiện nay, thì đã qua một thời gian phim chán ê chề.

Phim về chiến tranh trước đây rất hay. Đến cuối những năm 1990 đầu những năm 2000, khi lớp trước qua thời, lớp đạo diễn mới muốn làm khác đi, có chút hoành tráng, góc máy, hiệu ứng nhưng phim như minh họa, không có thần thái, các nhân vật sống giả vờ. Nhưng, đừng nói là điện ảnh phía Bắc đã chết. Không phải đâu. Rồi đến một ngày, thế hệ khác sẽ nổi lên. Đây là lúc giao thời.

Đàn ông Việt quá... yếu, quá tệ trong phim ViệtĐàn ông Việt quá... yếu, quá tệ trong phim Việt

TTO - Trong phim Chị chị em em, người chồng tham lam bị vợ trừng trị và vứt bỏ trong tình trạng chỉ còn chiếc quần che thân. Điện ảnh Việt có nhiều mẫu đàn ông tệ và yếu đuối, liệu có "bôi đen hiện thực"?

Xem thêm: mth.16941638081401202-auq-ueihn-gno-nad-uax-ion-oig-yab-teiv-hna-mihp-cul-nart/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Trần Lực: 'Phim ảnh Việt bây giờ nói xấu đàn ông nhiều quá'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools