Tuần qua thị trường xác lập kỷ lục lịch sử về thanh khoản nhờ hệ thống giao dịch của HoSE được nâng công suất. Tuy vậy VN-Index lại hầu như chỉ đi ngang trong 4 phiên cuối tuần, còn đa số giảm giá.
Theo các chuyên gia, hiện tượng nói trên cho thấy tâm lý nhà đầu tư có phần thiếu ổn định, sẵn sàng bán ra khi thị trường diễn biến không như ý. Việc thanh khoản tăng rất cao nhưng thị trường không tăng được mang nhiều nét của hoạt động phân phối. Tuy vậy các chuyên gia lại đồng thuận cho rằng thị trường vẫn chỉ đang rung lắc thông thường chứ chưa phải phân phối.
Có nhiều lý do để chưa phải lo ngại về các diễn biến điều chỉnh. Dòng tiền mới vào vẫn rất lớn sau khi hệ thống được tăng công suất khiến tình trạng nghẽn vẫn xảy ra ở mặt bằng thanh khoản cao hơn. Khi thị trường tăng mạnh, những nhà đầu tư mua từ trước muốn chốt lời nên áp lực bán tăng cao. Trong khi đó dòng tiền bên ngoài lại có cơ hội vào mạnh hơn nhờ tăng tải hệ thống.
Mặt khác, kết quả kinh doanh quý 1 cũng đang khiến thị trường phân hóa nhiều hơn. Các cổ phiếu yếu hoặc đã tăng mạnh dễ bị nhà đầu tư bán ra. Tuy vậy cũng có quan điểm thận trọng cho rằng nên quan sát thêm thị trường trong tuần tới để xác định rõ hơn kỷ lục thanh khoản của tuần qua có dẫn đến diễn biến xấu đi hay không.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thị trường tuần này đã không diễn biến tích cực hơn như anh chị phân tích. Mức tăng hầu hết chỉ tập trung vào phiên đầu tuần và các phiên còn lại giảm mạnh hơn, khiến cả tuần VN-Index mất điểm. Rõ ràng thị trường vẫn đang trong mùa cao điểm kết quả kinh doanh, anh chị có thay đổi kỳ vọng ngắn hạn hay không?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi giai đoạn này tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng, cuối tuần vừa rồi có một số tờ báo giật tít thông tin "Thủ tướng chỉ đạo ứng phó hiện tượng tăng trưởng nóng của giá đất, chứng khoán" điều này gây tâm lý lo sợ cho nhà đầu tư và nhiều người khi thấy thị trường yếu đã bán tháo cổ phiếu gây giảm mạnh trong phiên thứ 6.
Tôi vẫn giữ nguyên kỳ vọng ngắn hạn thị trường vượt mốc 1300 điểm khi thông tin đính chính lại vấn đề siết tín dụng cũng như Mỹ ra báo cáo chưa đủ khẳng định Việt Nam thao túng tiền tệ.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Có lẽ việc kỳ vọng vào xu hướng tăng rõ và mạnh của thị trường diễn ra với đồng loạt của cổ phiếu đã giảm dần, trong khi cơ hội cho các cổ phiếu riêng lẻ, sự phân hóa dòng tiền vào các doanh nghiệp có câu chuyện lại tăng lên.
Tôi cho rằng cơ hội đã không còn dễ dàng hơn trong bối cảnh nhiều cổ phiếu đã và đang trong diễn biến điều chỉnh ngắn hạn. Việc chọn lựa cổ phiếu cũng khó khăn hơn khi nhiều cổ phiếu ở diễn biến giá cao hoặc không còn trở nên hấp dẫn. Nếu có vài điều dự báo về kịch bản diễn biến thị trường chung thì cơ hội để hồi lại để hoàn thiện tiếp sóng 5 tăng điểm vẫn còn trong 1, 2 tuần tới.
Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank
Theo tôi trong ngắn hạn thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy tạo nền sau khi vượt mốc 1,200 điểm thành công. Quá trình này được dự báo vẫn sẽ tiếp tục trong tuần tới, chỉ số tiếp tục sideway trong biên độ 1,225 – 1,250 điểm.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Kể từ khi thị trường vượt đỉnh 1.200 điểm vào đầu tháng 4 cho tới nay, chỉ số VN-Index tăng 47,27 điểm (+3,97%) với 167 mã tăng, 217 mã giảm. Đáng chú ý, đóng góp chính vào nhịp tăng vừa qua tập trung chủ yếu ở 4 cổ phiếu VIC, NVL, HPG và VHM với 40 điểm, trong đó VIC chiếm hơn ½ (22,6 điểm).
Tuần vừa qua cũng là tuần tăng thứ 3 liên tiếp của chỉ số VN-Index, kể từ đầu năm cho tới nay, chỉ số này đã tăng 12,2%, cao hơn so với 2 chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ (S&P 500: + 11%, Dow Jones: + 11,2%) và chứng khoán khu vực châu âu (STOXX Europe 600: + 10,2%).
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index vẫn đang ở trong sóng tăng thứ 5 chừng nào ngưỡng 1.200 điểm vẫn được giữ vững. Do vậy, kỳ vọng về nhịp tăng tiếp diễn trong ngắn hạn của thị trường vẫn không thay đổi. Có thể chỉ số chung sẽ không còn tăng mạnh do hiện tượng phân hóa tuy nhiên xu hướng tăng để lập các đỉnh cao mới cùng các thị trường chứng khoán thế giới vẫn sẽ tiếp tục được duy trì.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Tuần này thị trường cũng gia tăng thanh khoản lên ngưỡng kỷ lục bình quân vượt 20 ngàn tỷ đồng khớp lệnh mỗi phiên nhờ hệ thống có cải tiến. Tiền vào rất lớn nhưng thị trường lại không tăng được, liệu đó có phải hoạt động phân phối hay vẫn chỉ là rung lắc thông thường?
Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank
Chúng ta cần nhìn nhận thực tế dòng tiền bên ngoài chờ đợi giải ngân vẫn rất lớn. Bằng chứng là khi HOSE tiến hành cải tiến hệ thống giúp thanh khoản có phiên đạt hơn ngưỡng 1 tỷ USD, hiện tượng hệ thống giao dịch bị "đơ" vẫn xuất hiện.
Giá cổ phiếu chỉ thể hiện tâm lý của nhà đầu tư, việc thị trường không tăng cùng thanh khoản lớn cho thấy số đông nhà đầu tư tham gia trước đó đang muốn chốt lãi, sang tay cổ phiếu cho các nhà đầu tư bên ngoài có nhu cầu. Tôi vẫn nghiêng về khả năng đây chỉ là nhịp rung lắc bình thường.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Nhân tố đáng chú ý nhất trong tuần vừa qua là thanh khoản bình quân trên sàn HSX đã tạo mặt bằng mới với hơn 21.000 tỷ đồng/phiên nhờ hệ thống được cải tiến và đây cũng là mức cao kỷ lục kể từ trước cho tới nay.
Dòng vốn được khơi thông đã phần nào phản ánh đúng cung cầu trên thị trường trong bối cảnh chứng khoán thế giới tiếp tục lập kỷ lục mới, ở trong nước cũng đang ở mùa cao điểm báo cáo kết quả kinh doanh và Đại hội cổ đông. Tiền lớn vào thị trường đồng nghĩa với sự trao đổi kỳ vọng, nếu dòng tiền tiếp tục được duy trì ở mức này hoặc có thể tăng thêm thì những phiên vừa qua chỉ là hoạt động rung lắc bình thường sau chuỗi tăng 3 tuần liên tiếp và thị trường cũng đã tăng 6/7 tuần vừa qua.
Trong kịch bản ngược lại, nếu thanh khoản thị trường giảm và độ rộng kém đi, thị trường có thể đang diễn ra hoạt động phân phối. Do vậy, sau tuần thanh khoản lập kỷ lục, cần theo dõi thêm ở tuần tiếp theo để có thêm cơ sở đánh giá, hiện tại dòng tiền đã đạt đỉnh chưa là câu hỏi khó trả lời và cần thêm thời gian.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Việc thị trường lên các điểm cao lịch sử mới đi kèm với các phiên giao dịch điều chỉnh, các ngưỡng kháng cự tâm lý sinh ra là để mọi người dựa theo đó đưa ra các quyết định mua bán hơn là dựa trên triển vọng kinh doanh cơ bản của doanh nghiệp. Theo tôi thị trường sẽ điều chỉnh rung lắc điều chỉnh mạnh tạm thời chứ chưa phải phân phối.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi giai đoạn này thị trường chỉ là nhịp rung lắc thông thường. Tâm lý nhà đầu tư vẫn rất thận trọng và chưa hưng phấn, đó cũng là lý do tại sao thị trường hơi yếu là lực bán ra mạnh do tâm lý thận trọng.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Lúc tăng thì thị trường phân hóa, nhưng khi giảm thì gần như toàn bộ. Diễn biến này khiến cổ phiếu dễ bị tổn thương hơn. Theo anh chị nhà đầu tư nên xử lý danh mục trong diễn biến thị trường này như thế nào?
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Hiện tượng phân hóa này là diễn biến hoàn toàn bình thường và cũng đã lặp đi lặp lại nhiều lần khi các cổ phiếu trụ giữ nhịp và cổ phiếu còn lại đa phần là điều chỉnh. Do vậy, đòi hỏi nhà đầu tư cần có sự phân bổ cho danh mục giữa cổ phiếu và tiền mặt sao cho danh mục có thể theo sát với chỉ số nhất có thể. Nhìn chung, trong mọi hoàn cảnh khi đã trading nên tuân thủ theo nguyên tắc, tránh tình trạng "cố đấm ăn xôi".
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Mỗi khi thị trường điều chỉnh thì tầm quan trọng của việc chọn lựa cổ phiếu lớn hơn bao giờ hết. Cổ phiếu đang xu hướng tăng giá muốn bán lúc nào cũng được; cổ phiếu điều chỉnh ít hơn để có thể giữ lâu được nếu cần vì yếu tố cơ bản của cổ phiếu vẫn được đánh giá cao hay việc cổ phiếu chỉ điều chỉnh ngắn rồi sẽ lên trong khi số cổ phiếu khác lại không. Như vậy, danh mục cũng nên quản lý ở mức độ thận trọng giữ vị thế vừa phải ở 3 – 4 mã cổ phiếu, tỷ trọng hợp lý cũng như hạn chế sử dụng đòn bẩy.
Chỉ khi sở hữu 1 danh mục cổ phiếu cẩn trọng, các cổ phiếu được lựa chọn kỹ lưỡng thì việc thị trường điều chỉnh hay có tệ như thế nào thì qua thời gian hiệu quả đầu tư vẫn sẽ khá thỏa đáng.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Giai đoạn vừa rồi tuy thị trường vượt đỉnh nhưng khá khó chịu vì phần lớn tiền đổ vào trụ để kéo thị trường. Sang tuần tới theo tôi dòng tiền sẽ có độ lan tỏa hơn khi nhóm trụ chững lại đà tăng và dòng tiền chuyển dịch sang các cổ phiếu midcap và penny. Nhà đầu tư nắm giữ danh mục khi có kết quả kinh doanh xấu nên bán và giữ lại cổ phiếu khỏe.
Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank
Nhà đầu tư nên dành thời gian đánh giá lại tiềm năng tăng trưởng của các cổ phiếu trong danh mục. Với những cổ phiếu có câu chuyện riêng hấp dẫn, tiềm năng tăng trưởng tốt nhưng bị ảnh hưởng bởi diễn biến của thị trường, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân từng phần trong các nhịp điều chỉnh nhằm nâng tỷ trọng nắm giữ. Trong trường hợp ngược lại, cần nhanh chóng bán cổ phiếu nhằm cơ cấu lại danh mục.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Hiệu ứng kết quả kinh doanh ngày càng trở nên kém rõ ràng hơn đối với diễn biến giá cổ phiếu. Đà tăng tốt nhất lại ở các mã đầu cơ chứ không phải blue-chips như cách đây vài tuần. Vậy nhà đầu tư có nên chuyển hướng dòng tiền?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi giai đoạn này nhà đầu tư cứ chạy theo đôi dòng tiền khá rủi ro nhất là những người thiếu kinh nghiệm thường mua chậm hay mua khi cổ phiếu có nhịp tăng khá rồi. Hiện tại nhà đầu tư nếu đang cầm cổ phiếu hoạt động kinh doanh tốt nhưng đang chững lại đà tăng thì tiếp tục nắm giữ vẫn được.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Câu hỏi luôn được đặt ra là cổ phiếu gì, thời điểm nào và bao lâu luôn thường trực đối với các nhà đầu tư. Lựa chọn các blue-chips triển vọng vẫn được ưu tiên (cần tìm thêm các cổ phiếu khác như kiểu VIC, NVL, MSN như giai đoạn vừa qua) cũng như tìm kiếm thêm các cổ phiếu vừa và nhỏ có triển vọng donh thu/lợi nhuận tốt trong 2021.
Giai đoạn này cũng là thời kỳ của các cổ phiếu đầu cơ. Việc tham gia cũng không phải là lựa chọn tồi nhưng chí ít các nhà đầu tư cũng phải đang hiểu là mình đang làm gì. Nếu đầu cơ chắc chắn việc giao dịch mua bán ngắn hạn cũng phải cẩn trọng và đòi hỏi đôi chút sự nhạy bén, kinh nghiệm và quyết đoán.
Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank
Giai đoạn vừa qua các mã đầu cơ đã tăng rất mạnh. Đà tăng xuất phát chủ yếu từ sự dễ dãi của dòng tiền chứ không bắt nguồn từ các yếu tố nội tại của doanh nghiệp. Việc tham gia vào nhóm cổ phiếu đầu cơ ở thời điểm hiện tại theo tôi là khá rủi ro.
Tuy vậy, các nhà đầu tư thích mạo hiểm vẫn có thể cân nhắc tham gia với tỷ trọng thấp không quá 20% giá trị danh mục, đồng thời luôn chuẩn bị sẵn phương án trước các diễn biến bất ngờ của cổ phiếu.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Tùy vào chiến lược trading của từng nhà đầu tư mà có cách hành xử phù hợp với diễn biến của thị trường. Có nhiều nhà đầu tư phù hợp với việc trading các mã đầu cơ và ngược lại. Việc chuyển hướng dòng tiền tức là rơi vào trạng thái bị động và không hẳn đã là phương án tốt nhất. Do vậy, cần đa dạng hóa dang mục sẽ giúp nhà đầu tư có thêm phương án để chờ đợi kịch bản đẹp xảy ra.
Xem thêm: mth.21203751181401202-iohp-nahp-al-iahp-auhc-nav-gnuhk-naohk-hnaht-neit-gnod-eht-ux/nv.ymonocenv