Đôi tay của lão Hải quen mần việc nặng giờ lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho con - Ảnh: CHÍ CÔNG
Ở tuổi này, tui như ngọn đèn trước gió. Một mai tui chết rồi con Loan sống với ai? Ở chung với anh em ruột được nhưng tui nghĩ cũng khó lòng. Chỉ mong sao tui có sức khỏe để sống cùng con, lo cho con được ngày nào hay ngày đó…
Lão Hải - ông Trần Minh Hải đã 85 tuổi, ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) - người đã 42 năm ròng chăm con gái, chị Trần Thị Kim Loan. Ông đã chăm con bằng tình thương của cả cha và mẹ.
Vừa là ba vừa là má
Đêm trước khi chúng tôi ghé thăm, chị Loan bị sốt, lên cơn co giật liên hồi nên hôm sau chị ngủ mê man trên chiếc chõng được lão Hải chắp vá bằng những tấm gỗ tạp đủ cỡ lớn nhỏ. Ngoài chiếc tivi màu đời cũ mở lên nghe tiếng được tiếng mất, trong căn nhà tiền chế che mưa che nắng rộng chưa đầy 12m2 của họ không có vật chi đáng giá hơn.
Mùa này ở TP Cần Thơ vẫn còn nắng bạo. Dù cố vén mấy bức màn cũ và dùng thùng giấy áp lên trần giả làm laphông để xoa dịu cái nóng, nhưng căn nhà của hai cha con lão Hải vẫn hầm hập. "Con Loan sinh ra cũng khỏe mạnh y như con nít người ta. Một năm sau nó đột ngột bị sốt bại liệt... Tui và bà nhà chạy chữa khắp nơi nhưng hổng hết" - câu chuyện cuộc đời của chị Loan được lão Hải kể cứ đứt quãng vì chốc lát lão lại đứng lên, lau mồ hôi cho Loan, ý chừng muốn kéo dài giấc ngủ cho con.
Năm 1980, chị Loan đổ bệnh ngặt nghèo. Đó là căn bệnh sốt bại liệt tai quái. "Ai lỡ mắc bệnh này thì tui nghĩ chỉ có thuốc tiên của trời mới mong trị khỏi" - lão Hải đau buồn. Năm nay chị Loan 42 tuổi nhưng hình hài vẫn bé nhỏ. Chân của chị yếu ớt rồi teo tóp dần. Đi chẳng được, ngồi cũng không, chị Loan nằm lăn lóc trên giường.
Năm ngày chị lên co giật nhẹ. Mười ngày chị đối mặt với trận sốt cao. Chị Loan cứ thế gồng mình chịu đau, chịu nhức.
Con đổ bệnh tiền thuốc thang, tiền ăn uống chi tiêu trong nhà của lão Hải đội lên gấp đôi, ba lần. Mâm xôi, mâm bánh của vợ lão Hải cứ thế nặng thêm. Lão Hải đi hết Ô Môn, TP Cần Thơ rồi phiêu dạt về Cà Mau, Đồng Tháp mần đủ thứ nghề từ làm lợp, làm lưới, đào đất, khuân vác gạch xây dựng công trình... để kiếm tiền nuôi con.
Năm 2017, vợ lão Hải bệnh rồi qua đời. Ở cái tuổi 85, lưng đã còng, mắt đã mờ, lão Hải phải vừa làm ba, vừa làm má, lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho con. "Hồi đó còn bả thì bả lo cho con Loan. Giờ tui thay thế làm tất cả. Con Loan không lên co giật thì nó ý thức lắm. Lúc lên cơn, mình hơi cực một chút xíu!" - lão Hải chân tình nói.
40 năm qua, lão Hải vốn đã quen với việc cầm cuốc hay khuân vác đồ nặng... nay lão quen với việc "nữ công gia chánh": đi chợ, nấu cơm, giặt đồ... việc gì cũng làm. Ngày ngày lão Hải dậy sớm, đạp xe gần 1km ra chợ An Khánh, TP Cần Thơ mua con cá, mớ rau về nấu cơm cho con.
Hôm nào chị Loan trở bệnh lão chuyển sang "trổ tài" nấu cháo... có khi là cháo thịt heo, lúc cháo cá hay cháo trứng gà ăn đổi bữa. Nghe có vẻ sang trọng nhưng kỳ thực tôi thấy tô cháo "yêu thương" của lão Hải dành cho con thịt thà thì ít, nước cháo lỏng bỏng. Phần ăn của riêng lão là món gì? Lão bật bếp gas hâm nóng lại mấy miếng thịt kho cháy đen vì kho đi kho lại đã 3 ngày và tô canh bầu đúng nghĩa "đại dương". Bao nhiêu đó thôi đã đủ để lão sống một ngày.
Các nhà hảo tâm địa phương vẫn thường đến thăm và gửi ít quà, ít tiền cho hai cha con lão Hải - Ảnh: CHÍ CÔNG
Cha con nghĩa nặng
Lão Hải có ba người con, ngoài chị Loan, lão còn có con trai cả và cô con gái út. Họ ở tận bưng biền Đồng Tháp, cũng khó khăn và còn nuôi con ăn học. Năm 2018, lão Hải dắt chị Loan về TP Cần Thơ và sống nhờ vào tình thương của mọi người xung quanh. Người có gạo cho gạo. Người có nước mắm, nước tương... cũng chia cho.
"Tình cảnh tui giờ, tui chịu rồi. Ai thương cho gì thì cha con tui ăn nấy. Lắm khi có người cho trăm, hai trăm ngàn... tui để dành mua thuốc cho con. Thú thật, tui còn mạnh tay, mạnh chân lắm. Con Loan ngồi được tui sẽ cùng con đi bán vé số hay lượm ve chai cũng được" - lão Hải thổ lộ nỗi lòng của mình.
Lão Hải có tánh lạc quan. Lão luôn trân quý từng ngày tháng của mình khi ở cùng con. Chị Loan cũng yêu thương lão. Bệnh thì thôi, lúc tỉnh, chị vừa lo vừa quan tâm hỏi lão: "Má đi đâu dạ?"; "Má đừng bỏ tui đi nghen!" - những câu hỏi, câu nói bất chợt và gọn lỏn của chị khiến lão Hải mủi lòng thương con vô tận. Lâu lâu, chị Loan lại thều thào: "Má lo tui vậy, má có buồn không?".
Hỏi xong, chị ôm lấy tay lão Hải rồi mếu máo khóc. Lúc đó, lão Hải đứng chết trân. Hết nhìn con rồi lão ngước mắt nhìn trời. "Đời tui coi như cũng chẳng buồn gì nữa! Giờ lão chỉ biết ráng khỏe sống cùng con. Tui chỉ mong con nó đừng bệnh. Bệnh rồi nó không ăn uống được. Tui cũng không thể nào nuốt vô..." - lão Hải xót xa.
Ông Nguyễn Văn Minh, trưởng khu vực 2, phường An Khánh (Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cho hay: "Chú Hải trước đây ở Đồng Tháp. Sau đó chú về đây, được bà con cưu mang cho ở nhờ. Chú ấy lớn tuổi nên không làm gì ra tiền. Bận đầu, có người biết đến gia cảnh của chú cũng gửi cho ít tiền. Sau đó, thỉnh thoảng địa phương cũng đến thăm gia đình chú và gửi chú 10 ký gạo/tháng. Hoàn cảnh chú Hải đáng thương lắm. Cha già, con khờ... họ sống nương nhờ lẫn nhau. Ai thấy cũng thương, cũng quý".
"Chúng tôi cũng cố gắng kiếm nguồn hỗ trợ cho chú. Tui cũng hi vọng mọi người biết đến hoàn cảnh của chú, hỗ trợ chú được chút nào hay chút đó để chú và con gái sống an ổn hơn bây giờ", ông Minh bày tỏ kỳ vọng của mình.
"Đời tôi sống nhờ người dưng cưu mang..."
"Bôn ba không qua thời vận" - cả đời lão Hải lưu lạc, đi mần ăn, bàn tay xây cửa xây nhà cho người nhưng lão đi đến đâu cũng luôn sống nhờ vào người dưng, kẻ lạ. "Ở Cà Mau, Đồng Tháp tui cũng ăn nhờ ở đậu. Giờ về TP Cần Thơ, tui cũng được cháu Vàng cưu mang. Tiền nhà tui nói lắm cháu ấy mới nhận 500.000 đồng/tháng. Điện, nước thì cháu Vàng cho cha con tui xài. Được vậy là tui cảm thấy quý lắm rồi" - lão Hải nói.
TT - Bốn người đàn ông, “già” nhất 38 tuổi, “trẻ” nhất 25 tuổi cùng nhau “hùn vốn” xây một mái nhà cho những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, tật nguyền. Tự tay các “ông bố” chăm lo cho những “đứa con” từng giấc ngủ, bữa ăn, dạy nghề cho chúng.
Xem thêm: mth.70010813271401202-teib-cad-am-iougn/nv.ertiout