Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải (SIIS) và Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (CEIP) cho thấy các cường quốc đang thiếu một cơ chế hiệu quả để đối phó với nguy cơ xảy ra cuộc tấn công nhằm vào các hệ thống hạt nhân rồi leo thang thành xung đột. Đồng thời, các nước sở hữu vũ khí hạt nhân cũng không có nhận thức đầy đủ về mối đe dọa, theo tờ South China Morning Post.
Lỗ hổng từ hệ thống hạt nhân
Báo cáo có tên "Độ ổn định của hạt nhân không gian mạng C3 giữa Trung Quốc - Mỹ", cho biết Trung Quốc và Mỹ đã nâng cao năng lực mạng. Năng lực này cũng đóng vai trò lớn hơn trong tình hình an ninh tổng thể của họ, vì việc sử dụng các hoạt động không gian mạng để thu thập thông tin tình báo đang bị cám dỗ vì nhiều lý do khác nhau.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc. Ảnh: TÂN HOA XÃ
"Chúng tương đối rẻ, không gây chết người, thường hiệu quả và không rõ ràng là bất hợp pháp. Hơn nữa, nó cũng ít khiêu khích hơn so với việc sử dụng gián điệp là con người" - theo báo cáo.
Ông Lu Chuanying, Giám đốc Trung tâm Quản trị Không gian Mạng Quốc tế tại SIIS và là đồng tác giả của báo cáo cho biết các quốc gia hạt nhân lớn hiện không có động lực mạnh mẽ để cùng nhau xây dựng một cơ chế giảm thiểu rủi ro, vì họ chưa nhận thức đầy đủ về rủi ro tiềm ẩn.
Theo ông, nghiên cứu hạt nhân là một lĩnh vực nghiên cứu rất khép kín và độc quyền, và về cơ bản không có thông tin liên lạc giữa các quốc gia.
Ông đưa ra ví dụ, nếu một chiếc máy bay bị rơi, quốc gia đó có thể thông báo công khai về vấn đề kỹ thuật dẫn đến tai nạn để các quốc gia khác có thể đề phòng. Tuy nhiên, lĩnh vực hạt nhân thì không như vậy. Các quốc gia rất có thể không nhận thấy một số lỗ hổng nhất định trong hệ thống hạt nhân của họ do thiếu thông tin liên lạc với nhau, và do đó cảm thấy an toàn.
Rủi ro cho các bên
Rủi ro đặc biệt thể hiện ở những xích mích không ngừng trên mặt trận mạng và các cuộc đối đầu xoắn ốc giữa Trung Quốc và Mỹ, theo báo cáo.
Năm ngoái, một công ty chống virus hàng đầu của Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ tham gia vào hoạt động gián điệp mạng kéo dài hàng thập niên nhắm vào các lĩnh vực bao gồm hàng không, ngành dầu khí, các công ty internet và các cơ quan chính phủ. Đổi lại, Microsoft cáo buộc Trung Quốc hack phần mềm máy chủ email của họ để lấy cắp dữ liệu từ các nhà nghiên cứu, công ty luật và nhà thầu quốc phòng Mỹ.
Báo cáo cũng cho thấy căng thẳng gia tăng có thể khiến hai bên nghi ngờ rằng nên còn lại có thể tiến hành một cuộc tấn công mạng vào hệ thống hạt nhân của mình.
Ông Lu Jinghua, một học giả CEIP và là một đồng tác giả khác của báo cáo, cho biết căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ khiến họ đặc biệt dễ hiểu sai ý định của một cuộc tấn công mạng hoặc đổ lỗi cho nhau.
"Xét về những khó khăn khi tìm ra ý định và danh tính của kẻ xâm nhập mạng, Trung Quốc và Mỹ có xu hướng giải thích các cuộc tấn công của nhau dựa trên các giả định tồi tệ nhất hoặc thậm chí quy các cuộc tấn công từ bên thứ ba cho nhau" - ông nói.
Ngoài ra còn có sự chênh lệch lớn giữa khả năng hạt nhân của hai nước. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ từ năm ngoái, nước này có khoảng 5.800 đầu đạn hạt nhân trong khi Trung Quốc chỉ có khoảng 200.
Theo báo cáo, sự bất đối xứng giữa các lực lượng hạt nhân của họ với các khả năng tấn công và phòng thủ khác có thể khiến các quan chức Trung Quốc cho rằng một lúc nào đó Mỹ sẽ hành động theo ý muốn và phủ nhận hành động răn đe hạt nhân của Trung Quốc.
Đồng thời, các hành động của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực mạng, nhằm tránh khả năng như vậy có thể khiến các quan chức Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc đang tìm cách cản trở khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ. Chính điều này sẽ gia tăng thêm căng thẳng giữa hai nước.